Xã hội hóa góp phần cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục

Công tác xã hội hóa giáo dục trong 10 năm qua không chỉ góp phần to lớn trong việc cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Hệ thống trường, lớp học có sự cải thiện đáng kể

Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023, nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn tới vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức ngày 25/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm 2013, cả nước có 41.397 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập với tổng số 553.181 phòng học, trong đó chỉ có 65,9% số phòng học kiên cố. Đặc biệt, cấp học mầm non có tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt 47,7%, trong khi ở cấp học tiểu học và trung học cơ sở, tỷ lệ này lần lượt là 61,6% và 80,5%.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023.

Tính đến năm 2023, hệ thống trường, lớp học đã có sự cải thiện đáng kể. Tổng số phòng học của cả nước tăng lên 628.571 phòng, trong đó 86,6% phòng học đã được kiên cố hóa, tăng hơn 20% so với năm 2013. Cụ thể, tỷ lệ kiên cố hóa ở cấp học mầm non đạt 83%, tiểu học đạt 83,2% và trung học cơ sở đạt 94,9%. Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ từ nhà nước và sự chung tay từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thông qua công tác xã hội hóa.

Việc xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 7/2023, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của các cấp học như sau: Cấp học mầm non có 56,9% trường; cấp tiểu học có 62,8% trường; cấp trung học cơ sở có 72,3% trường; cấp trung học phổ thông có 49,6% trường; trường phổ thông nhiều cấp học có 44,2% trường.

Đây là kết quả rất đáng tự hào, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp; đội ngũ giáo viên, học sinh có thêm điều kiện công tác, học tập tốt hơn. Đó cũng chính là các điều kiện cần thiết để ngành Giáo dục tập trung nâng chất lượng giáo dục, phát động phong trào học tập, thi đua giữa các địa phương, đơn vị.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, chính sách xã hội hóa giáo dục đã trở thành động lực to lớn, khơi dậy tinh thần trách nhiệm cộng đồng, đồng thời khuyến khích sự tham gia đóng góp từ các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Trong giai đoạn 2013 - 2023, nhờ vào sự hỗ trợ từ xã hội hóa, cả nước đã xây dựng hơn 36.000 phòng học và 1.300 phòng công vụ cho giáo viên với tổng kinh phí huy động đạt khoảng 33.000 tỷ đồng. Đó là sự quan tâm hết sức thiết thực của toàn xã hội đối với GD&ĐT. Khắp mọi miền của đất nước ở đâu cũng có thể gặp những công trình trường lớp học được xây dựng từ nguồn xã hội hóa từ nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau với cách thức, mô hình hết sức phong phú, đa dạng.

Bài học kinh nghiệm rút ra

Sau 10 năm triển khai, từ kết quả và những khó khăn, tồn tại, có một số bài học kinh nghiệm được rút ra. Chia sẻ về nội dung này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh sự chủ động từ cấp ủy và chính quyền địa phương là yếu tố then chốt để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa. Việc kết nối các nguồn lực, triển khai các chương trình phải được thực hiện có kế hoạch, công khai và minh bạch.

Việc xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. (Ảnh minh họa)

Việc xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. (Ảnh minh họa)

Cùng đó, công tác thông tin, truyền thông cần được đẩy mạnh nhằm biểu dương, tôn vinh những tấm gương người tốt việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả; đồng thời tạo động lực và lan tỏa phong trào xã hội hóa sâu rộng hơn trong cộng đồng. Quy hoạch mạng lưới trường học là nền tảng để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, đảm bảo không có sự chênh lệch quá lớn giữa các khu vực, đặc biệt là các vùng khó khăn. Quy hoạch cần công khai để các nhà đầu tư nắm bắt rõ ràng và tham gia đóng góp hiệu quả.

Các nguồn lực xã hội hóa cần được quản lý chặt chẽ, công khai, đảm bảo tiết kiệm và sử dụng hiệu quả. Chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý và sử dụng nguồn lực từ xã hội hóa. Điều này sẽ giúp tối ưu hóa các khoản đầu tư, đồng thời thúc đẩy quá trình cải thiện cơ sở vật chất giáo dục.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và lan tỏa phong trào xã hội hóa rộng khắp hơn nữa, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác truyền thông. Nâng cao nhận thức việc kiên cố hóa trường, lớp học là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, cách làm hiệu quả để đến năm 2030 đạt 100% kiên cố hóa trường lớp học. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác xã hội hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.

Thứ ba, tăng cường quy hoạch mạng lưới trường học. Các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp học để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo có quỹ đất để xây dựng và mở rộng các cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn.

Thứ tư, khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) trong việc xây dựng trường học và nhà công vụ cho giáo viên, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và thu hút tối đa nguồn lực từ xã hội.

Thứ năm, thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các nhà hảo tâm.

Thảo Nguyên

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xa-hoi-hoa-gop-phan-cai-thien-co-so-vat-chat-nang-cao-chat-luong-giao-duc-179680.html