Xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao

Quá trình đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao, kéo theo nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, rèn luyện thể dục thể thao (TDTT) của các tầng lớp nhân dân ngày càng tăng.

Người dân tập luyện thể thao trên sân bóng đá mini được đầu tư từ nguồn xã hội hóa tại KP.7, P.Tân Biên, TP.Biên Hòa. Ảnh: L.NA

Người dân tập luyện thể thao trên sân bóng đá mini được đầu tư từ nguồn xã hội hóa tại KP.7, P.Tân Biên, TP.Biên Hòa. Ảnh: L.NA

Chủ trương xã hội hóa (XHH) hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, song thời gian qua đã thu hút được các cá nhân, đơn vị, các doanh nghiệp tham gia.

* Cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp chung tay

Nhằm tạo điều kiện để người dân trên địa bàn có thêm địa chỉ vui chơi, luyện tập TDTT, ông Quách Đại Vương (KP.7, P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) đã đầu tư xây dựng 2 sân bóng đá, 3 sân bóng chuyền. Ông Vương cho biết, được sự khuyến khích của địa phương, gia đình ông đã sử dụng khoảng đất vườn để xây dựng các sân bóng. Do quỹ đất có sẵn nên nguồn vốn bỏ ra để xây dựng, cải tạo sân bóng không nhiều. Từ khi sân bóng đi vào hoạt động, bà con khu phố, nhất là thanh thiếu nhi đã đến luyện tập rất đông.

Với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, anh Ngô Văn Tài (ngụ tại xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) thời gian qua đã đầu từ các trang thiết bị thể thao, tạo điều kiện cho bà con trên địa bàn đến luyện tập tại Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng (trung tâm) xã. Anh Tài cho hay: “Trước đây, tôi là giáo viên môn thể dục. Vì đam mê TDTT và để có điều kiện theo đuổi bộ môn này, tôi đã xin nghỉ dạy, phối hợp với địa phương để mở các phòng tập thể thao tại trung tâm. Tôi đã đầu tư nhiều hạng mục như: sân bóng đá mini, 2 sân bóng chuyền, nhà tập thể hình, mở các lớp khiêu vũ thể thao, bàn bida, cầu lông...”.

Theo báo cáo kết quả 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 của Sở VH-TTDL, công tác XHH hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tại các thiết chế, nhiều cá nhân, đơn vị đã tham gia vào đầu tư hồ bơi, sân tennis, sân bóng đá, nhà thi đấu TDTT, rạp chiếu phim với kinh phí hàng chục tỷ đồng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe nhân dân.

Trong đó, phải kể đến Công ty TNHH MTV Đào Cát Tường, TP.Biên Hòa đầu tư kinh doanh thể thao bơi lặn (hơn 80 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Thảo Thiện (TP.Long Khánh) đầu tư kinh doanh bóng đá, bơi lặn (hơn 20 tỷ đồng); ông Phạm Văn Kiều, ấp Nguyễn Huệ, xã Quang Trung (H.Thống Nhất) đầu tư 4 nhà thi đấu cầu lông Soklu (3 tỷ đồng); hay Công ty TNHH MTV Thể thao Quang đã đầu tư 2 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo tại Sân vận động H.Long Thành.

Hiện toàn tỉnh có 1,6 ngàn cơ sở kinh doanh hoạt động TDTT, gần 800 công trình thể thao (gồm 260 sân bóng đá mini, hơn 160 hồ bơi, 215 sân bóng chuyền và sân quần vợt, 62 phòng tập gym và bida…). Tại các thiết chế văn hóa, thể thao đã trang bị hơn 1,2 ngàn dụng cụ TDTT ngoài trời, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia luyện tập, nâng cao sức khỏe.

Đặc biệt, một số thiết chế văn hóa, thể thao dành cho công nhân, người lao động được các doanh nghiệp đầu tư, quản lý. Tiêu biểu như: khu sinh hoạt văn hóa, thể thao Công ty TNHH Pousung Việt Nam; phòng sinh hoạt chung Công ty CP TKG Taekwang Vina; khu giải trí cho công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, khu sinh hoạt gia đình công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam, sân bóng đá Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam…

* Vận động, tạo điều kiện để nhân dân đầu tư

Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Nguyễn Thị Diễm Châu cho biết, thời gian qua việc cấp kinh phí và vận động XHH tại các thiết chế văn hóa, thể thao được huyện quan tâm. Hiện trên địa bàn huyện có 7/13 trung tâm đã thực hiện được công tác XHH, trên 50% số nhà văn hóa đã vận động được nguồn XHH cho việc sửa chữa, mua sắm trang thiết bị. Mặc dù huyện đã đẩy mạnh kêu gọi nhưng hoạt động XHH thiết chế văn hóa, thể thao vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

“Trong thời gian tới, H.Định Quán sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và công khai các thông tin về chủ trương XHH cho nhân dân và các tổ chức biết, để tham gia đầu tư. Hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân khi tìm hiểu và đầu tư kinh doanh vào các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Đồng thời, rà soát đối với từng thiết chế để có kế hoạch cụ thể cho việc thực hiện XHH” - bà Châu nói.

Theo Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Long Thành Trần Thị Lệ Huyền, trong 6 tháng đầu năm 2023, do ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế nên công tác XHH các hoạt động văn hóa, thể thao chưa có sự tham gia nhiều của nhà đầu tư. Từ nay đến cuối năm, địa phương sẽ tiếp tục kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác ngoài TDTT; thu hút thêm các CLB, đội nhóm văn nghệ hoạt động… nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương về thực trạng thiết chế văn hóa, thể thao vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị Sở VH-TTDL, Sở Tài chính, Sở TN-MT tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện XHH, liên doanh, liên kết tại các thiết chế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ nhân dân. Sở KH-ĐT rà soát việc phân bổ vốn ngân sách đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh; tình hình triển khai thực hiện công tác XHH và việc thực hiện các dự án XHH các lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh.

“Các huyện, thành phố cần tập trung sửa chữa, đầu tư thêm các trang thiết bị và các phòng chức năng tại các trung tâm, nhà văn hóa, khu thể thao ấp. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư, liên doanh, liên kết để khai thác hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, phục vụ nhân dân” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nói.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202306/xa-hoi-hoa-hoat-dong-van-hoa-the-thao-3168635/