Xã hội hóa làm đồ chơi ngoài trời cho trẻ

Đồ chơi ngoài trời tại các trường mầm non là nhu cầu không thể thiếu đối với trẻ nhỏ. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhiều trường mầm non như: Mầm non Nông Tiến, Hoa Sen (TP Tuyên Quang); mầm non Thành Long, Phù Lưu (Hàm Yên); mầm non Phúc Thịnh (Chiêm Hóa); mầm non Đạo Viện (Yên Sơn)... đã không ngừng xã hội hóa làm đồ chơi ngoài trời phục vụ hoạt động chăm sóc, giáo dục trong nhà trường, đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ.

Một góc vui chơi cho trẻ tại trường Mầm non Hoa Sen (TP Tuyên Quang).

Một góc vui chơi cho trẻ tại trường Mầm non Hoa Sen (TP Tuyên Quang).

Trên địa bàn thành phố, việc đầu tư cho sân chơi ngoài trời luôn được các trường mầm non chú trọng. Trường mầm non Hoa Sen từ năm học 2017 - 2018 đã đưa vào sử dụng khu vui chơi ngoài trời mới. Cô giáo Hoàng Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài kinh phí hơn 30 triệu đồng từ sự đóng góp của phụ huynh, giáo viên để mua sắt, thép, thảm cỏ thì đa số vật dụng như lốp xe, vỏ chai, cây xanh, hộp bánh đều được phụ huynh và giáo viên quyên góp và tự làm.

Khuôn viên vui chơi tại trường Mầm non Thành Long (Hàm Yên) cũng hoàn thành từ công sức của thầy, cô và các bậc phụ huynh với hơn 40 chiếc lốp xe, hàng trăm cây tre, nứa, vỏ lon... Mỗi năm học, trường có khoảng 150 trẻ, nên khu vui chơi ngoài trời chỉ có 1 đu quay, cầu trượt và xích đu không thể đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ.

Toàn tỉnh hiện có 151 trường mầm non, 599 điểm trường tại các thôn. Dù đã có sự đầu tư, xong đồ chơi ngoài trời tại các trường mầm non chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu vui chơi của trẻ. Theo anh Vũ Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo, đồ dùng đồ chơi ngoài trời tại các trường mầm non còn thiếu nhiều nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Nhiều điểm trường không có đồ chơi hoặc nếu có cũng chỉ vài ba bộ nhưng đã xuống cấp không thể đáp ứng nhu cầu vui chơi và phát triển cho trẻ. Do đó, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, các trường cần có những giải pháp thiết thực, tự tạo đồ dùng đồ chơi phục vụ cho hoạt động chăm sóc, giáo dục trong nhà trường. Giáo viên có thể làm đồ chơi với những nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương, những vật liệu phế thải trong sinh hoạt hàng ngày như: tre, trúc, lốp ô tô, vỏ lon….

Phương pháp giáo dục mầm non chủ yếu thông qua việc tổ chức các hoạt động vui chơi để trẻ phát triển. Những bộ đồ chơi ngoài trời thú vị sẽ giúp trẻ thích thú, thỏa sức tưởng tượng và khám phá ra nhiều điều bổ ích từ thế giới xung quanh. Do đó, việc tạo nên khuôn viên vui chơi với đa dạng đồ chơi ngoài trời rất cần đến sự chung tay của các cấp, ngành và chính mỗi người dân.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/giao-duc/xa-hoi-hoa-lam-do-choi-ngoai-troi-cho-tre-126712.html