Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Họ đều là những người trẻ, ra đời sau khi đất nước đã không còn chiến tranh. Họ là 7x, 8x, 9x, thậm chí có người sinh năm 2000. Họ, theo cách riêng của mình, đều muốn chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn từ mùa 'dịch dã' cho tới khi Tết đến, xuân về, để không chỉ hoàn thành tâm nguyện 'giảm đau cho Hà Nội', mà còn hơn thế nữa…

"Tôi mong hơi ấm của bát phở nóng, hơi ấm của tình người có thể giúp mùa đông bớt lạnh và giúp họ có thêm động lực chiến đấu, thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống" - Hoài Anh, thành viên Bếp Yên Vui.

"Tôi mong hơi ấm của bát phở nóng, hơi ấm của tình người có thể giúp mùa đông bớt lạnh và giúp họ có thêm động lực chiến đấu, thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống" - Hoài Anh, thành viên Bếp Yên Vui.

Chiều thứ bảy cuối năm, ở một quán nhỏ trong khu tập thể trạm bơm thôn Yên Xá (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội), nhiều nhân viên và tình nguyện viên quây quần đóng gói quà tặng cho các trẻ em nghèo. Các suất quà gồm bánh kẹo, sữa, bóng bay và một phong bao lì xì trị giá 200.000 đồng, hôm nay, địa chỉ đến là bãi giữa sông Hồng. Sẽ có tất cả 300 phần quà như thế được chuyển đi khắp Hà Nội trước Tết Nguyên đán.

Chiều sông Hồng lộng gió mùa, một buổi lễ trao tặng nho nhỏ được tổ chức với những chùm bóng bay được trang trí giữa căn lều-vốn là quán bán hàng nhỏ nơi bãi bồi. Không có lời phát biểu long trọng nào, chỉ có niềm phấn khích và những háo hức trẻ thơ khi biết sắp được nhận quà. Những phần quà còn lại được chuyển đến tận nhà, trao vội cho các con còn đang phải cắm cúi vào màn hình để học online.

Xong xuôi, với những nụ cười mãn nguyện trên môi, cả đoàn lại tất tả chạy về điểm xuất phát, để chuẩn bị bốn nồi nước phở cho chương trình "Phở yêu thương" dành tặng bệnh nhân và người nhà, sẽ được phát tại Bệnh viện K Tân Triều vào trưa hôm sau. Từ chiều hôm trước, bếp quán Yên Vui Tân Triều đã nổi lửa để hầm xương, luộc thịt bò, sẵn sàng cho một ngày chủ nhật bận rộn. Những suất "phở 2k" (2.000 đồng) ấy là điểm nhấn đẹp đẽ trong suốt hành trình đi qua mùa dịch, hướng về một cái Tết ấm áp cho những hoàn cảnh khó khăn mà chủ nhiệm Nguyễn Cao Sơn của quán cùng những đồng sự, đã và sẽ tiếp tục góp phần "giảm đau cho Hà Nội".

Ở quán nhỏ mới được thành lập chưa đầy nửa năm này, gần ba nghìn suất quà cùng hàng chục tấn gạo đã được trao đi trong suốt hơn hai tháng Hà Nội được đặt trong tình trạng giãn cách, cùng hàng chục tấn rau xanh và mỗi ngày trong suốt gần nửa năm ấy, đều đặn 300-500 suất cơm được chuyển đến tận tay nhiều bệnh nhân, người dân khu cách ly, những hoàn cảnh khó khăn và cả các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Và quán Yên Vui không cô đơn. Đồng hành với họ là rất nhiều tấm lòng hướng về đồng bào từ những ngày dịch dã, lại chung tay lo toan cho cái Tết truyền thống, giúp những ngày cuối năm trở nên ấm áp hơn với những cảnh đời đang phải vật lộn mưu sinh, phải chiến đấu với bệnh tật nơi đất khách quê người.

Trao đi những phần quà ăm ắp yêu thương không phải là cách duy nhất mà những người làm từ thiện không chuyên đó thực hiện. Cùng hàng chục tấn gạo, hàng trăm suất quà trao đến những địa chỉ cần sự giúp đỡ, bác sĩ Nguyễn Văn Hòa cùng Nha khoa Shinbi của mình đã "giảm đau cho Hà Nội" theo đúng nghĩa đen. Hai tháng mùa giãn cách, chương trình cấp cứu răng miệng của anh đã giúp làm dịu cơn đau cho hàng trăm bệnh nhân khi miễn phí hoàn toàn từ những chuyến xe đưa đón đến chi phí khám, chữa răng cho những trường hợp khẩn cấp, khi người dân hạn chế ra đường, còn các bệnh viện Thủ đô phải căng mình đối phó Covid-19.

Đơn giản, với họ, đây là những việc nên làm.

Đơn giản, với họ, đây là những việc nên làm.

Để rồi khi "những ngày đỏ lửa đi qua", bác sĩ trẻ tuổi ấy cùng các nhân viên của mình lại tận hưởng niềm vui bằng những bát phở tự tay mình bốc bánh, xếp thịt, thêm rau thơm, chan nước rồi trao tận tay những bệnh nhân và người nhà của họ, để thu về... hai nghìn đồng.

Hoài Anh-cô gái là "tài trợ chính" cho bữa phở ngày chủ nhật được nhắc đến ở trên-đã cập nhật dòng trạng thái Facebook sau một buổi trưa "xắn tay áo lên phát phở": "Những ngày qua, những ai gần mình nhất chắc có lẽ hiểu mình stress với núi công việc ngập đầu như thế nào. Ấy vậy mà chỉ một buổi sáng ra ngoài đem niềm vui tới cho 400 người đã khiến mình ổn hơn rất nhiều.

Một ngày Hà Nội mưa phùn, gió lạnh, được ăn bát phở bò nóng hổi trên tay, và cảm nhận được sự ấm áp của tình người. Niềm vui và hạnh phúc chỉ đơn giản như thế".

Được hỏi về lý do lựa chọn "khởi tâm" với những bát phở ấm áp ấy, sau những chương trình phát gạo, phát rau, phát quà đã từng làm suốt mùa dịch vừa qua, cô gái nhỏ nhắn này bộc bạch: "Tôi đã trải qua tuổi thơ lớn lên trong một gia đình khó khăn, và tôi vẫn nhớ mình rất thích ăn phở. Một bát phở bò nóng hổi nhiều hành là một món quà tuyệt vời với tôi khi ấy.

Vậy nên bây giờ, khi đã có điều kiện hơn, tôi mong có thể đem tới nhiều niềm vui như thế cho mọi người, đặc biệt là những người đang phải chiến đấu với bệnh tật. Được ăn một bát phở nóng vào mùa đông Hà Nội không dễ dàng gì với họ, khi phải dành dụm từng đồng để chữa bệnh".

Quán nhỏ Yên Vui ấy, mỗi sáng đều í ới tiếng gọi nhau của bà con sang giúp nhặt rau, thái thịt, làm cá... Có bà cụ mỗi tháng đều đặn trích tiền lương hưu hai trăm nghìn đồng "góp với các cháu" cùng năm cân muối "để muối dưa cho bà con", có người nhà bệnh nhân thỉnh thoảng lại góp cá, góp rau "cho bữa ăn thêm tươi", thỉnh thoảng lại có anh shipper ghé "chuyển ít rau của một chị bên Ecopark tặng quán"...

"Dấn thân" có lẽ là hai từ họ chưa từng nghĩ đến. Đơn giản với họ đấy là những việc nên làm, tự nhiên như ăn cơm, uống nước hằng ngày. Mạng xã hội-thứ họ thông thạo hơn nhiều so những thế hệ trước, cũng góp phần lan tỏa không ít những hành động yêu thương, để khi nhìn lại mới thấy sức mạnh ghê gớm của nó khi những thông điệp yêu thương, những năng lượng tích cực đang trở thành một trào lưu mạnh mẽ.

Tết đã gõ cửa từng nhà, cũng là lúc những con người đã trót "dấn thân" từ mùa dịch, lao vào hiểm nguy, lại tất bật với những món quà cuối năm để trao gửi yêu thương. Với quán Yên Vui Tân Triều, là "đem Tết về cho bản" tít tận vùng biên giới thuộc xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng với vài chục bồn nước 1.200 lít để trữ nước mùa khô cho các hộ đồng bào nơi đây, cùng chăn màn, lương thực, thực phẩm, quần áo, bánh kẹo... để đem xuân về cho bản cao; là hàng trăm suất quà, bánh tặng các bệnh nhân giúp họ yên lòng, đỡ tủi thân khi phải đón xuân về trên giường bệnh, trong nhà trọ... Và còn rất nhiều bếp bánh chưng của các hội nhóm khắp Hà Nội sẽ đỏ lửa đến tận những ngày cuối năm để đem những tấm bánh đậm hương vị Tết đến cho các hộ nghèo, các hoàn cảnh khó khăn.

Những người từng ra đường lăn lộn "giảm đau cho Hà Nội" mùa dịch vẫn nói đùa với nhau: "Ngày thường, người ta mặc cả mớ rau, con cá từng nghìn đồng một, nhưng trong mùa dịch, cho nhau cả tấn gạo, cả xe rau là chuyện quá đỗi bình thường. Lạ nhỉ?".

Có lẽ, như Hoài Anh đã nói, họ cho đi để cảm nhận được sự ấm áp của tình người. Niềm vui và hạnh phúc đơn giản chỉ là như thế...

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/h%E1%BB%91i-h%E1%BA%A3-nh%E1%BB%AFng-h%C3%A0nh-tr%C3%ACnh-%C4%91%E1%BA%A7y-%E1%BA%AFp-y%C3%AAu-th%C6%B0%C6%A1ng