Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Sau 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Tân Uyên đã giải ngân hơn 404 tỷ đồng cho hàng nghìn lượt hộ vay vốn, đầu tư sản xuất, cải thiện cuộc sống. Nguồn vốn vay này được xem là 'bệ đỡ' cho sự đổi thay những vùng nông thôn trên địa bàn huyện.
Hiện nay, cây chè được coi là cây trồng chủ lực của người dân huyện Tân Uyên. Từ cây chè đã giúp hàng trăm hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững. Gia đình anh Tòng Văn Thương (bản Nà Ban, xã Thân Thuộc) là một trong những hộ như thế. Vốn kinh tế gia đình anh Thương chỉ dựa vào gần 2ha chè shan tuyết, nhưng vì không có tiền để mua phân bón chăm sóc nên cây chè cằn cỗi, cho thu nhập thấp khiến vợ chồng anh rất trăn trở. Tuy nhiên, đầu tháng 4/2022, gia đình anh được cán bộ Hội Nông dân, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tư vấn vay vốn 100 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm, mở ra cơ hội thay đổi cuộc sống.
Theo anh Thương, khi được giải ngân nguồn vốn, vợ chồng anh bắt tay vào cải tạo đất, mua phân bón chăm sóc chè. Từ những vạt chè cằn cỗi được chăm sóc, bón phân đã “bật mầm” xanh non mơn mởn. Nhìn những búp chè xanh mướt đung đưa theo gió, anh Thương cười bộc bạch: “Từ ngày được vay vốn có tiền chăm sóc chè, giá bán và thu nhập cũng cao hơn. Nếu thời gian trước gần 2ha chè, trừ chi phí gia đình tôi thu khoảng 4 triệu đồng/tháng, thì nay thu lãi gần gấp đôi, vợ chồng tôi mừng lắm. Cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã tạo điều kiện giúp đỡ gia đình tôi”.
Có trải qua những tháng ngày gian khổ, vật lộn với cái đói, cái nghèo mới thấm thía được giá trị của nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Đối với hộ cận nghèo như ông La Văn Ô (bản Chom Chăng, xã Thân Thuộc) với ước mong giản đơn là có được vốn để làm ăn nhưng lại trở nên xa vời. Thấu hiểu, sẻ chia, nguồn vốn tín dụng CSXH đã chắp cánh cho ước mơ đời thường của ông Ô thành hiện thực. Từ năm 2011 đến năm 2021, gia đình ông Ô được vay 80 triệu đồng theo 2 chương trình hộ cận nghèo và sản xuất kinh doanh để phát triển chăn nuôi gia súc (trâu, bò, lợn). Nhờ sự nỗ lực, cần cù chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đến nay gia đình ông không những thoát khỏi hộ cận nghèo, trả được nợ ngân hàng mà còn vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương, với mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm (trừ chi phí).
Hoạt động với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, thời gian qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Uyên đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực triển khai các nguồn vốn vay ưu đãi đến các hộ dân. Đồng thời, đặt 10 điểm giao dịch cố định tại các xã, thị trấn và thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao chất lượng giao dịch tại các xã, thị trấn. Vì vậy, những nội dung công khai tại điểm giao dịch được thực hiện đầy đủ, hoạt động tín dụng CSXH ngày càng nhận được sự ủng hộ của Nhân dân. Định kỳ hàng tháng, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cùng với các tổ chức hội nhận ủy thác, các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp giao ban đều đặn vào các phiên giao dịch cố định. Điểm giao dịch được bố trí trong khuôn viên UBND các xã, thị trấn, thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định. Vào ngày giao dịch, người dân có thể đến để trả nợ gốc, nhận tiền vay, gửi tiết kiệm hoặc có ý kiến, đề xuất liên quan đến các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai thực hiện trên địa bàn. Do đó, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại mà còn đảm bảo hoạt động tín dụng CSXH dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”.
Theo số liệu thống kê đến 30/6/2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Uyên đang thực hiện cho vay và quản lý 14 chương trình tín dụng chính sách, như: hộ nghèo; hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; giải quyết việc làm... với tổng dư nợ thực hiện ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội trên 404 tỷ đồng, với 6.893 hộ vay (lãi suất từ 1,2 - 9%/năm). Với tổng dư nợ cao như vậy, song tỷ lệ nợ quá hạn các khoản vay của các chương trình cho vay tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện chỉ chiếm 0,02%. Điều đó cũng chứng minh nguồn vốn tín dụng đã được sử dụng đúng mục đích và có sinh lời nên bà con nông dân mới có thể trả nợ đúng hạn, giảm nợ quá hạn.
Đánh giá hiệu quả chính sách tín dụng vốn vay ưu đãi trong 20 năm qua, đồng chí Hoàng Văn Trang - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Uyên khẳng định: Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ đã tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, đầu tư trồng trọt với các loại giống mới cho năng suất, giá trị kinh tế cao; tích cực chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại; vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Qua đó, góp phần quan trọng để Tân Uyên thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững và hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới.