Xã Hội | Vấn đề hôm nay TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có tới 11 trẻ bị đuối nước rất thương tâm (trong khi năm 2021 là 15 trẻ). Tình trạng này rất đáng báo động, đặc biệt thời điểm này Lai Châu đã bước vào thời gian cao điểm của mùa mưa.

Muộn màng 2 từ "giá như"

Lai Châu là địa bàn có nhiều sông, suối, ao, hồ. Với tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhất là những địa bàn vùng cao, vùng sâu, bài toán thiếu sân chơi cho trẻ em trong dịp hè vẫn chưa có lời giải. Con trẻ ra đi để lại những nỗi đau, mất mát cũng như sự day dứt tâm can của cha mẹ, người thân, nhà trường và toàn xã hội.

Mặc dù xảy ra hơn 1 tháng nhưng nhiều người dân trên địa bàn thành phố Lai Châu vẫn chưa thể quên câu chuyện đuối nước rất thương tâm của 2 học sinh lớp 7, Trường THCS Đông Phong, phường Đông Phong tại khu vực đầu nguồn suối San Thàng, thuộc địa phận giáp ranh giữa xã San Thàng (thành phố Lai Châu) và xã Tả Lèng (huyện Tam Đường). Điều đáng nói là vụ việc xảy ra trong ngày tổng kết năm học 2021 - 2022.

Được biết, sau buổi học sáng, đầu giờ chiều 1 nhóm sinh rủ nhau đi tắm suối. 1 em do không biết bơi nên khi xuống nước có biểu hiện đuối nước, bạn đã xuống cứu. Thấy 2 bạn có biểu hiện đuối nước, bạn còn lại trên bờ chạy đi gọi người lớn đang tắm gần đó đến cứu. Tuy nhiên, khi đưa lên bờ thì Nguyễn Tuấn N., trú tại bản Mới, xã San Thàng và Phạm Đức A., trú tại tổ 26, phường Đông Phong đã tử vong.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Uyên thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ cho gia đình nạn nhân bị đuối nước tại xã Hố Mít.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Uyên thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ cho gia đình nạn nhân bị đuối nước tại xã Hố Mít.

Hay gần đây nhất là cuối tháng 5, khi các con nghỉ hè, vì vào vụ làm nương nên vợ chồng anh Vàng A Của (bản Tà Hử, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên) gửi các con ở nhà với bà ngoại để đi làm. Đúng hôm đó, nhà mẹ vợ anh cũng nhờ người cấy giúp; trong lúc bà bận nấu cơm cho thợ cấy thì cháu Vàng Thị Uyên C. (3 tuổi, con gái đầu của anh Của) cùng các bạn ra suối Lĩnh chơi. Hậu quả, C. bị ngã xuống suối và tử vong. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền xã, MTTQ huyện đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ cho gia đình anh Của.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Thào Thị Lia (mẹ của C.) nói trong tiếng nấc nghẹn: Bản ở gần suối nên khi đi làm, tôi đều dặn các con không được ra đó. Giờ con mất rồi, không chỉ vợ chồng tôi đau đớn mà bà ngoại cháu còn day dứt hơn nhiều. Rất mong từ sự việc của gia đình tôi, bà con trong bản chú ý hơn khi để các con ở nhà trong dịp nghỉ hè.

Cái chết đau lòng của N., A. hay C. chỉ là 3 trong 11 trường hợp tử vong do đuối nước từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh. Trong nỗi đau vô cùng của người thân trước cái chết của các em, chắc chắn nhiều bậc cha mẹ phải thốt lên 2 tiếng “giá như”.

Gấp rút trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước

Phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước cho trẻ em từ nhiều năm qua đã được các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các tổ chức đoàn thể, nhà trường đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp thực hiện. Mặc dù vậy, vào mỗi dịp hè, khi không còn sự kiểm soát của nhà trường, thầy cô, con em chơi ở đâu? chơi như thế nào? quản lý ra sao? vẫn luôn khiến các bậc phụ huynh lo lắng, bất an. Và, điều này càng thêm báo động, khi các vụ đuối nước năm sau tăng hơn năm trước như hiện nay. Phải chăng, kỹ năng “phòng” của các em chưa đủ để tự tạo cho mình môi trường vui chơi an toàn.

Thực hiện “Mùa hè vui tươi, an toàn, ý nghĩa cho trẻ em”, ngoài sự vào cuộc của ngành Giáo dục, các đơn vị, tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã tích cực xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em (bắt đầu từ 25/5 đến ngày 30/6/2022). Khởi đầu hoạt động này là sự kiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước. Hoạt động có sự tham gia của lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh; hơn 300 học sinh thuộc các trường học trên địa bàn thành phố Lai Châu.

Đoàn viên, thanh niên xã Mường Kim (huyện Than Uyên) làm điểm vui chơi cho trẻ em tại bản Mường 1.

Đoàn viên, thanh niên xã Mường Kim (huyện Than Uyên) làm điểm vui chơi cho trẻ em tại bản Mường 1.

Các huyện, thành đoàn chỉ đạo các chi đoàn cơ sở tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu niên, nhi đồng với nhiều hoạt động rèn kỹ năng sống vui chơi, bổ ích. Huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng công trình khu vui chơi tại nhà văn hóa bản, tổ dân phố. Cùng với đó, tổ chức cắm biển cảnh báo tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh trong công tác quản lý con em trong dịp hè. Đối với Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh cũng như các bể bơi tư nhân tổ chức các khóa học bơi cho trẻ trong dịp hè…

Phòng, chống tai nạn thương tích nói chung và đuối nước nói riêng, việc tăng cường quản lý học sinh dịp hè từ gia đình, cộng đồng hết sức cần thiết. Thiết nghĩ, nếu chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức hoạt động rèn kỹ năng sống như hiện nay chưa thực sự đủ. Bởi, điều kiện thực tế của một số địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh khó có thể triển khai đồng bộ, hiệu quả. Do đó, điều các bậc phụ huynh và con trẻ cần thiết nhất hiện nay đó là có sân chơi an toàn để “học mà chơi, vui để học”.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/tai-n%E1%BA%A1n-%C4%91u%E1%BB%91i-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-trong-d%E1%BB%8Bp-h%C3%A8-c%E1%BA%A7n-c%E1%BA%A3-ph%C3%B2ng-v%C3%A0-ch%E1%BB%91ng