Xã Lân Phong: Vươn tới đô thị hiện đại

Vươn mình thành đô thị hiện đại vào năm 2030 là mục tiêu mà Đảng bộ xã Lân Phong đề ra và quyết tâm thực hiện thắng lợi trong nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Nền tảng vững chắc

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, dù đối mặt với nhiều thách thức, xã Lân Phong vẫn có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2025, tổng giá trị sản xuất của xã đạt hơn 2.589 tỷ đồng, tăng 1,22 lần so với năm 2020. Nông - lâm - ngư nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, với giá trị sản xuất đạt gần 470 tỷ đồng, tăng 1,27 lần so với đầu nhiệm kỳ.

Doanh thu bình quân trên 1ha đất nông nghiệp đạt 100 triệu đồng/năm. Địa phương có 7 sản phẩm OCOP 3 sao và 355ha rừng trồng theo chứng chỉ FSC, nhằm hướng đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đây là yếu tố then chốt của địa phương trên con đường trở thành đô thị xanh.

Chủ tịch UBND xã Lân Phong Lê Hồng Sa kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Lân Phong Lê Hồng Sa kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.

Tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp - xây dựng đến năm 2025 ước đạt gần 1.066 tỷ đồng, tăng 1,35 lần so với năm 2020. Xã Lân Phong có trên 200 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với hơn 7.000 lao động. Cụm Công nghiệp Thạch Trụ với diện tích 20ha và Cụm Công nghiệp An Sơn đang thực hiện đầu tư xây dựng với diện tích 50,4ha, kinh phí đầu tư 265 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Các cụm công nghiệp này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và kiến tạo diện mạo đô thị Thạch Trụ sôi động.

Theo Chủ tịch UBND xã Lân Phong Lê Hồng Sa, Lân Phong đã đạt kết quả phát triển kinh tế, xã hội toàn diện, duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chúng tôi đã quy hoạch 2 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo chuỗi liên kết hiệu quả. Với hơn 1.000ha đất lâm nghiệp, Lân Phong tập trung làm chứng chỉ FSC để tăng giá trị kinh tế rừng, đủ điều kiện xuất khẩu, tạo mối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Hiện địa phương có khoảng 350ha đã được cấp chứng chỉ FSC.

Những chuyển biến tích cực này đã kéo theo sự gia tăng thu nhập bình quân đầu người, ước đạt 56 triệu đồng/người/năm, phản ánh đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.229 tỷ đồng, với tỷ trọng lớn từ nhân dân và các nguồn khác, cho thấy sự đồng lòng và đóng góp tích cực của cộng đồng.

Phát triển toàn diện

Sự phát triển của Lân Phong không chỉ dừng lại ở kinh tế mà còn lan tỏa mạnh mẽ sang lĩnh vực văn hóa, xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho một đô thị nhân văn. Đến cuối năm 2024, có 90% hộ gia đình và 9/9 thôn đạt chuẩn văn hóa. Các di tích lịch sử cấp tỉnh được bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị, trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Giáo dục và đào tạo cũng ghi dấu ấn sâu đậm với việc triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nâng cao chất lượng giáo dục. Xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và THCS, khẳng định quyết tâm đầu tư lâu dài cho tương lai.

Cụm Công nghiệp Thạch Trụ. Ảnh: ĐVCC

Cụm Công nghiệp Thạch Trụ. Ảnh: ĐVCC

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo, gia đình người có công có chỗ ở ổn định, yên tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. “Gia đình tôi rất vui mừng vì có nơi ở ổn định, từ đó yên tâm làm kinh tế, chăm lo cho các con”, chị Nguyễn Thị Thu Hà (45 tuổi), ở thôn Thạch Trụ Đông, chia sẻ. Vợ chồng chị Hà có 3 người con. Những năm qua, gia đình chị sống nhờ trong nhà thờ phía nội, với diện tích khoảng 20m2. Tháng 7/2024, gia đình chị phấn khởi vì căn nhà được hỗ trợ từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được hoàn thành.

Đặc biệt, chuyển đổi số đã thực sự đi vào đời sống, từ quản lý hành chính đến dịch vụ công trực tuyến, xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch. Trong công tác xây dựng Đảng, đến nay, Lân Phong có 100% chi bộ được công nhận “chi bộ bốn tốt” và Đảng bộ xã được công nhận “đảng bộ cơ sở bốn tốt”. Điều đó đã phản ánh sự đổi mới và hiệu quả vượt trội.

Quốc phòng an ninh được giữ vững. Việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc đã tạo nên một bức tường thành kiên cố. Đến nay, toàn xã có 100% khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự liêm chính của bộ máy nhà nước, tạo môi trường phát triển lành mạnh và công bằng.

Quyết tâm bứt phá

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lân Phong Nguyễn Thanh Cường nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng Nghị quyết cho Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030, Đảng bộ xã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá. Trong đó, tập trung đẩy mạnh Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2030, xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, đô thị phát triển đồng bộ và không còn hộ nghèo. Tăng tỷ lệ đô thị hóa thông qua rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với không gian mở rộng sau sắp xếp. Thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra, Đảng bộ xã Lân Phong quyết tâm xây dựng xã Lân Phong giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình và hạnh phúc.

Với những thành quả ấn tượng, Đảng bộ xã Lân Phong đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10 - 11%/năm. Xác định điểm nhấn là xây dựng Thạch Trụ trở thành đô thị loại V. Bí thư Chi bộ thôn Thạch Trụ Tây Phan Đình Trúc mong muốn, ngoài phát triển kinh tế đô thị, vấn đề môi trường và kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng xanh - sạch và bền vững. Nhân dân xã Lân Phong kỳ vọng đại hội thúc đẩy chuyển đổi hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân tốt nhất.

Khát vọng vươn tới đô thị hiện đại và dấu ấn phát triển bền vững là kim chỉ nam của Đảng bộ xã Lân Phong. Trọng tâm là việc quy hoạch và quản lý chặt chẽ các quy hoạch, đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế, xã hội. Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, gắn kết chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao là nền tảng vững chắc cho kinh tế địa phương.

Cùng với đó, Lân Phong sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản thân thiện với môi trường, tận dụng tối đa lợi thế nguyên liệu tại chỗ. Các cụm công nghiệp An Sơn và Thạch Trụ sẽ là tâm điểm thu hút đầu tư. Du lịch biển, sinh thái, nông nghiệp được xác định là mũi nhọn mới, mở ra không gian phát triển dịch vụ đa dạng. Mục tiêu tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ bình quân 10 - 12%/năm, tạo đà cho một đô thị năng động.

Người dân xã Lân Phong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Người dân xã Lân Phong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Hướng tới một Lân Phong phát triển toàn diện, Đảng bộ xã tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, kiến tạo, phục vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, bảo tồn văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh, tạo dựng môi trường sống an toàn, văn minh và thịnh vượng. Mục tiêu đến năm 2030, xã Lân Phong đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, đô thị phát triển đồng bộ và không còn hộ nghèo.

Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, Đảng bộ xã Lân Phong thể hiện rõ quyết tâm bứt phá trong nhiệm kỳ 2025 - 2030. Địa phương sẽ tập trung vào nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại với khâu đột phá là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững. Song song đó, địa phương phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn liền với phát triển đô thị.

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và ý chí khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lân Phong nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tạo thế và lực mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/xa-lan-phong-vuon-toi-do-thi-hien-dai-54959.htm