Xá-lợi Đức Phật: Từ lòng đất đến hàng triệu con tim

Khi một mảnh xá-lợi được an trí nơi phòng trưng bày, đó không đơn thuần là việc đặt một di vật vào lồng kính, mà đã mở ra một không gian cho tâm hồn người đối diện được lắng xuống và chạm vào điều thiêng liêng vượt ngoài ngôn từ.

Việc chiêm bái xá-lợi, vì thế, không phải là cúi đầu trước một di vật quá khứ, mà là cúi đầu trước phần cao quý nhất trong chính mình, nơi mà khả tính giác ngộ vẫn còn nguyên ở đó, và chờ được đánh thức.

Trong số 22 mảnh xá-lợi được nhà khảo cổ học K.M. Srivastava và đội khai quật của Cục Khảo cổ Ấn Độ phát hiện tại bảo tháp Piprāhwā, Uttar Pradesh, hai mảnh hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Ấn Độ ở Kolkata, và 20 mảnh còn lại được gìn giữ cẩn thận tại Bảo tàng Quốc gia Delhi.

Thuở xưa, Đức Phật để lại xá-lợi vì lòng từ bi vô lượng của Ngài đối với chúng sanh. Vì thương chúng sanh nên Ngài đã thị hiện ở đời và mang lấy tấm thân ngũ uẩn như hòn sắt nóng, và vì thương chúng sanh (nhất là những chúng sinh sau khi Phật nhập diệt) mà Ngài để lại một phần thân thể, vốn là “sự kết tinh kỳ diệu của sự chứng ngộ tâm linh, của sự phát triển tột cùng của hạnh từ bi và trí tuệ”. Đức Phật dạy A Nan rằng: “Trà-tỳ xong lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Phật mà tưởng nhớ lại đạo hóa của Pháp vương Như Lai, sống thì được phước lợi, chết thì sanh thiên” (Kinh Du hành, Trường A-hàm).

Xá-lợi được tôn trí tại Bảo tàng Quốc gia Delhi

Xá-lợi được tôn trí tại Bảo tàng Quốc gia Delhi

Nương theo lời dạy ấy của Đức Phật, nên sau khi quy ngưỡng Phật giáo, vua Asóka đã mở cửa 8 bảo tháp xá-lợi ban đầu, và phân chia xá-lợi thành 84.000 phần để phụng thờ rộng rãi khắp tiểu lục địa Ấn Độ, với niềm tin rằng ai chiêm bái với lòng tin chân thật đều được lợi lạc. Cho đến ngày nay, tinh thần đó vẫn tiếp tục, nhưng trong hình thức hiện đại hơn thông qua các cuộc triển lãm xá-lợi được tổ chức tại các bảo tàng, trung tâm văn hóa, chùa viện cổ kính… Không chỉ tu sĩ, mà bất cứ ai, từ bác sĩ, kỹ sư đến nghệ sĩ, từ người hữu tín đến người vô thần, đều có thể bước vào không gian thiêng ấy và cảm nhận điều gì đó rất sâu lắng.

Tại Kolkata, kể từ năm 1994, sau khi được Mông Cổ thỉnh đến thủ đô Ulaanbaatar tôn trí để đại chúng chiêm bái, thì hai mảnh xá-lợi của Đức Phật đã được thỉnh về an trí tại Bảo tàng Ấn Độ ở Kolkata. Những người quản lý ở đây đã quyết định xây dựng một phòng trưng bày dành riêng cho xá-lợi của Đức Phật cũng như những di vật Phật giáo được khai quật và các tác phẩm liên quan đến cuộc đời của Ngài. Tuy vậy, phải đến năm 2018, Bảo tàng Ấn Độ tại Kolkata mới mở cửa cho công chúng tham quan và chiêm bái hai mảnh xá-lợi này.

Tầm quan trọng của xá-lợi được nâng lên một cấp độ cao hơn vào năm 2015, khi Chính phủ Ấn Độ chính thức xếp các di vật này vào loại “AA”, đây là cấp độ cao nhất dành cho cổ vật và báu vật nghệ thuật quốc gia. Điều này đồng nghĩa rằng xá-lợi không còn được phép mang ra khỏi đất nước để triển lãm, vì lý do bảo tồn và tính chất vô cùng dễ vỡ của chúng. Việc xếp hạng này cho thấy Ấn Độ không chỉ nhìn xá-lợi như Thánh tích tôn giáo, mà còn như một phần cốt lõi của di sản văn hóa và tâm linh quốc gia, tượng trưng cho sự gắn kết giữa Phật giáo và bản sắc Ấn Độ cổ đại.

20 mảnh xá-lợi còn lại được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Delhi trong một khung tháp vàng được cúng dường bởi Hoàng gia Thái Lan vào năm 1997. Ở đây, xá-lợi của Đức Phật được đặt trong một phòng riêng biệt và có cả không gian để những người thăm viếng có thể đảnh lễ, hành thiền, nhiễu tháp và cầu nguyện đối với di vật quý giá này. Xá-lợi được tôn trí tại đây đã khiến Bảo tàng Quốc gia Delhi trở thành điểm chiêm bái quan trọng của các đoàn hành hương từ khắp nơi trên thế giới, không kém gì Tứ Thánh tích của Phật giáo.

Tại những nơi trưng bày xá-lợi, người ta dễ bắt gặp những hình ảnh lặng thầm nhưng thấm đẫm tâm linh: một vị sư già lặng lẽ chắp tay, giọt nước mắt nhẹ rơi trên má nhăn nheo; một cư sĩ trung niên quỳ xuống thật lâu, như muốn dâng cả tâm mình trong từng khoảnh khắc lễ lạy; hay một thanh thiếu niên mặc áo tràng nâu, ánh mắt rực sáng khi chiêm ngưỡng viên xá-lợi trong lồng kính. Không ai được răn dạy hay thúc ép, nhưng giữa giây phút tĩnh lặng ấy, mỗi người đều cảm nhận một điều gì đó sâu xa, như một phút diện kiến Như Lai từ nghìn năm trước và như một tiếng gọi thầm từ bên trong, nhắc họ trở về với phần thanh tịnh, thuần khiết và cao quý nhất trong tâm mình.

Là một trong những bảo vật quốc gia quý giá bậc nhất của Ấn Độ, xá-lợi Đức Phật được bảo quản nghiêm ngặt và rất hiếm khi được phép đưa ra khỏi đất nước. Tính chất mong manh sau hơn hai thiên niên kỷ nằm dưới lòng đất, cùng giá trị tâm linh và biểu tượng đặc biệt, khiến việc cấp phép cho xá-lợi “xuất ngoại” trở thành một sự kiện hiếm hoi - chỉ diễn ra trong những dịp mang ý nghĩa tôn giáo, văn hóa và ngoại giao sâu sắc.

Xá-lợi Đức Phật được cung thỉnh đến Bangkok, Thái Lan vào tháng 2-2024

Xá-lợi Đức Phật được cung thỉnh đến Bangkok, Thái Lan vào tháng 2-2024

Gần đây nhất là lần cung rước xá-lợi đến Thái Lan vào tháng 2-2024 trong một sự kiện mang tầm vóc lịch sử không chỉ với cộng đồng Phật tử, mà với cả những ai quan tâm đến di sản tinh thần của nhân loại. Được chuyên chở bằng loại máy bay đặc biệt của Không quân Ấn Độ (IAF), 4 trong số 20 mảnh xá-lợi của Đức Phật tại Bảo tàng Quốc gia Delhi đã được Thủ tướng Thái Lan và các thành viên của Hội đồng Bộ trưởng cung đón và tiếp nhận một cách đầy trang trọng. Trong 25 ngày tại Thái Lan, xá-lợi của Đức Phật đã được tôn trí tại nhiều nơi ở các thành phố lớn như Bangkok, Chiang Mai,… để người dân của xứ sở chùa vàng được chiêm bái và cầu nguyện. Sự kiện trọng đại này đã thu hút hàng triệu người từ khắp nơi của Thái Lan cũng như các nước lân cận đến tham dự và đảnh lễ xá-lợi.

Từ nửa sau thế kỷ XX, Chính phủ Ấn Độ cũng đã cho phép tổ chức các cuộc cung rước xá-lợi tại những quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời như một hình thức giao lưu văn hóa và kết nối tâm linh với các cộng đồng Phật tử ở nhiều nước khác nhau. Hành trình này không chỉ nhằm tôn vinh mối liên hệ sâu xa giữa Ấn Độ và các nền văn hóa Phật giáo trong khu vực, mà còn lan tỏa những giá trị cốt lõi như từ bi, tỉnh thức và hòa bình của Phật giáo.

Với sự hộ tống nghiêm mật và nghi lễ long trọng, xá-lợi đã được cung thỉnh đến Śrī Laṇkā (1976, 2012), Mông Cổ (1993, 2022), Singapore (1994, 2007), Hàn Quốc (1995) và Thái Lan (1995, 2024). Mỗi cuộc cung rước xá-lợi không chỉ là hoạt động tôn giáo, mà là một sự kiện văn hóa lớn, quy tụ nguyên thủ quốc gia, các học giả, giới trí thức và hàng vạn người dân thành kính.

Điểm đặc biệt của các lần cung rước xá-lợi gần đây đó là việc không giới hạn trong phạm vi tôn giáo hay nghi lễ truyền thống. Chúng được tổ chức tại nhiều không gian mở như bảo tàng, trung tâm văn hóa, quảng trường, hay thậm chí là trường học để tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội chiêm bái. Không giống như những pháp hội chỉ dành cho các Phật tử tu học, việc chiêm bái xá-lợi mở ra cho tất cả mọi người. Người đến có thể là một vị tu sĩ với hàng chục năm hành trì, hay một thanh niên lần đầu biết đến Phật giáo. Có người đã thành công trong đời sống thế tục, nhưng cũng có người vừa trải qua biến cố đời sống và tìm đến không gian này như một chốn nương tựa tinh thần. Điều đặc biệt là, rất nhiều người không phải Phật tử - những du khách, nhà nghiên cứu, hay người dân địa phương - khi đến chiêm bái xá-lợi cũng cảm nhận được một điều gì đó vượt khỏi ngôn từ. Không ít người mô tả cảm giác ấy là “bình an”, “rung động nhẹ trong lồng ngực”, hoặc đơn giản là một khoảnh khắc “muốn đứng im và không nói gì cả”.

Chính điều này làm nên tính phổ quát và phi tôn giáo của xá-lợi: không cần danh xưng “tín đồ”, cũng không cần hiểu rõ giáo lý, người ta vẫn có thể đồng cảm được với năng lượng của lòng từ, của an lạc và buông xả. Xá-lợi trở thành biểu tượng nhân loại cho hòa bình nội tâm, cho sự thức tỉnh tinh thần không phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay hệ tư tưởng.

Xá-lợi không chỉ là một di vật cổ mà là sự hiện diện sống động của Đức Phật. Trong từng mảnh xá-lợi là sự kết tinh của đời sống thanh tịnh, đại bi và trí tuệ viên mãn, là năng lực tỏa ra từ một tâm hoàn toàn thanh tịnh. Người chiêm bái, dù chỉ trong giây lát, cũng có thể khởi phát lòng tin, cảm hứng tu tập và sự tỉnh thức. Hơn thế nữa, xá-lợi là minh chứng hùng hồn cho một chân lý thẳm sâu: giác ngộ không phải là đặc ân của một vị thần linh siêu việt, mà là thành tựu có thật nơi một con người từng sống giữa trần thế. Đó là thân xác hữu hạn đã vượt qua vô lượng thử thách của phiền não và khổ đau, để trở thành biểu hiện rực rỡ của sự thanh tịnh, giải thoát và từ bi tuyệt đối.

Khi chiêm bái xá-lợi, ta không chỉ đối diện với một di tích tâm linh, mà đang đối diện với chính tiềm năng giác ngộ nơi mình, một điều đã từng hiện hữu nơi Đức Phật, và cũng đang âm thầm chờ được đánh thức bên trong mỗi người. Trong ánh hào quang trầm lặng của một mảnh xá-lợi nhỏ bé, có thể bừng lên niềm tin vững chắc rằng: Con đường giác ngộ không nằm ở đâu xa, mà khởi đi từ thân này, tâm này và ngay trong đời sống hôm nay.

Thiện Quang/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/xa-loi-duc-phat-tu-long-dat-den-hang-trieu-con-tim-post75789.html