Xả nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch không ảnh hưởng đến công nghệ nano-Bioreator
Ông Lê Tự Lực Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội khẳng định việc xả, hạ mực nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch không làm ảnh hưởng đến việc thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nanoBioreator của Nhật.
Chiều 23/7, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Lê Tự Lực, Phó Chánh văn phòng UBND TP Lê Tự Lực thông tin chính thức về việc xả nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch ảnh hưởng đến việc thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-Bioreator của Nhật.
Ông Lực cho biết, Hồ Tây là hồ giữ vai trò điều hòa, điều tiết mức nước cho hệ thống thoát nước của TP Hà Nội. Hằng năm, quy trình quản lý vận hành hồ và mực nước khống chế được thực hiện theo quy định của Sở Xây dựng, có cửa xả nước trực tiếp ra sông Tô Lịch.
Theo báo cáo của Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, ngày 9/7/2019 qua công tác dự báo thời tiết, trong thời gian từ 3- 5 ngày sau sẽ xuất hiện mưa, có cường độ khoảng từ 40- 50 mm trên địa bàn Thành phố; đồng thời, hiện trạng mực nước hồ Tây là 5,96m đang vượt 0,26 – 0,36 m so với mực nước khống chế đã được chấp thuận (5,6- 5,7m).
Do đảm bảo khả năng điều hòa nên mưa ngày 17/5, lưu vực Hồ Tây không xảy ra úng ngập. “Việc xả, hạ mực nước Hồ Tây về mực nước quy định của Cty TNHH MT Thoát nước Hà Nội là hoàn toàn phù hợp với quy trình vân hành và phương án chống úng ngập của Thành phố từ trước tới nay”, ông Lực khẳng định.
Về tác động của việc xả nước Hồ Tây đến việc thử nghiệm của Công ty Cổ phần đầu tư môi trường Nhật Việt (JVE) ông Lực cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã lưu ý với JVE về việc xả hạ mức nước Hồ Tây khi mưa lớn; JVE đã khẳng định việc xả nước không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm.
Theo ông Lực, tại buổi làm việc với Sở Xây dựng ngày 22/7/2019, các đơn vị và JVE cho rằng rong thời gian vận hành thử nghiệm, đơn vị thử nghiệm đã thu thập, cập nhật dữ liệu hằng ngày. Tuy nhiên do thời gian chuẩn bị thử nghiệm ngắn nên Công ty JVE chưa khảo sát kỹ, chưa cập nhật đầy đủ thông tin về điều kiện tự nhiên, thời tiết, diễn biến mực nước, lưu tốc... trên sông Tô Lịch, không tham khảo hướng dẫn vận hành hệ thống thoát nước của Dự án Thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội.
Phó Chánh văn phòng UBND TP nhấn mạnh, việc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xả nước từ Hồ Tây và sông Tô lịch là công tác vận hành thường xuyên từ trước đến nay, tuân thủ đúng quy định để đảm bảo công tác thoát nước mùa mưa, chống úng ngập, không phải là việc làm cá biệt. Việc thử nghiệm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-Bioreactor do nhà đầu tư đề xuất. Hiện, thành phố đã giao các Sở ngành đơn vị liên quan cùng phối hợp thực hiện, trong đó lưu ý sông Tô Lịch là sông thoát nước của thành phố, dòng chảy liên tục nên khi thử nghiệm, yếu tố xả nước hồ Tây cũng như khi mưa lớn là yếu tố quan trọng để đánh giá hiệu quả công nghệ nano-Bioreator.
Trước đó, Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản có công văn đề nghị UBND Hà Nội kéo dài thời hạn thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor thêm hai tháng. Lý do là "toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các thiết bị kích hoạt trong gần hai tháng trước đã bị cuốn trôi" sau khi Hà Nội xả 1,5 triệu m3 nước từ Hồ Tây vào.