Xã Suối Cao chuyển mình cùng xuân mới
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ khép lại năm 2024, khắp các khu dân cư, vườn rẫy ở xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) hứa hẹn đón năm mới 2025 với nhiều khởi sắc.
Vốn là xã nông nghiệp, kết thúc giai đoạn 2021-2024, cơ cấu kinh tế của xã Suối Cao thay đổi rất lớn với 35% là thương mại, dịch vụ; công nghiệp, xây dựng chiếm 33,2%.
Cây trồng đem lại hương vị mới
Vùng đất Suối Cao vốn bằng phẳng, thổ nhưỡng thích hợp với nhiều cây trồng mang giá trị kinh tế cao như: tiêu, cây ăn trái, cây công nghiệp, phân bố tại 6 ấp: Gia Tỵ, Phượng Vỹ, Gia Lào, Cây Da, Chà Rang, Bàu Sình. Tuy vậy, địa phương chưa có các công trình hồ chứa thủy lợi phục vụ nước tưới cho cây trồng, mà chủ yếu dựa vào nguồn nước tích trữ từ ao hồ, suối nhỏ trong mùa mưa, giếng khoan trong mùa nắng.
Xã Suối Cao nằm trong khu vực nghèo nước ngầm. Tại những khu vực với thổ nhưỡng đất đỏ vàng, nước ngầm chỉ xuất hiện ở độ sâu 25-30m. Khu vực thổ nhưỡng với đất nâu thẫm, xám vàng mực nước ngầm ở độ sâu 80-120m nên quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân cũng gặp một số bất lợi nhất định.
Vốn là xã nông nghiệp khó khăn, năm 2014, Suối Cao xây dựng nông thôn mới thành công, rồi nông thôn mới nâng cao (năm 2020), nông thôn mới kiểu mẫu (năm 2023). Đây là động lực để nông dân địa phương tận dụng các nguồn lực đầu tư của tỉnh, huyện, xã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm vươn tới ấm no, phát triển kinh tế hộ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Cao Nguyễn Đình Quý cho biết, với nguồn nước tưới hạn chế, nông dân địa phương gặp khó khăn trong việc chuyển đổi cây cao su, điều, cây ngắn ngày như: thuốc lá, bắp, các loại cây họ đậu, lấy củ sang các loại cây trồng giá trị kinh tế cao như: tiêu, mít, sầu riêng, cây có múi. Do đó, thời gian khá dài, giá trị sử dụng đất của nhà nông chỉ đạt từ
80-100 triệu đồng/hécta/năm. Để đạt được mức thu nhập này, nông dân xã Suối Cao bỏ công sức, vốn đầu tư không nhỏ nên cuộc sống chỉ ổn định, số hộ khá, giàu không cao.
Nay toàn xã Suối Cao có 1.200 hộ sản xuất nông nghiệp thì có 560 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp: xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Giá trị sử dụng đất của hộ sản xuất nông nghiệp của nông dân địa phương đạt từ 150 triệu đồng/hécta/năm trở lên. Với các cây trồng chủ lực như: tiêu, xoài, sầu riêng, cây ăn trái thì giá trị sử dụng đất đạt từ 300-500 triệu đồng/hécta/năm.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Suối Cao Trần Duy Nguyện giải thích, sự thay đổi này xuất phát từ khát vọng vươn lên làm giàu của nông dân và nỗ lực của các cấp chính quyền trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Chẳng hạn, với vùng đất đỏ vàng, mạch nước ngầm nông (thấp), nông dân tập trung phát triển cây hồ tiêu, vì mùa nắng hồ tiêu đã thu hoạch xong, nhu cầu nước tưới không cao nên giữ ẩm bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm, che phủ giàn. Với cây ăn trái, cây công nghiệp, nông dân tập trung phát triển ở vùng đất có tầng nước ngầm sâu bằng cách khoan giếng, tưới tiết kiệm, chọn các giống cây trồng chịu hạn, cần ít lượng nước và canh tác theo mô hình hữu cơ bền vững.
“Nhờ vậy, cây trồng trong vườn rẫy của nông dân trên địa bàn xã thêm đa dạng, cho thu nhập cao. Điều này sớm tạo thêm hương vị cây trái ngon ngọt, giá trị kinh tế cao nơi vùng đất mà nguồn nước ngầm còn nghèo như xã Suối Cao” - ông Trần Duy Nguyện cho biết.
“Mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu dù đã thành công nhưng cấp ủy, chính quyền, toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương vẫn cùng khát vọng như người dân là tiếp tục xây dựng xã Suối Cao trở thành vùng đất giàu đẹp, phát triển, hạnh phúc” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Suối Cao TRẦN DUY NGUYỆN bộc bạch.
Cuộc sống sung túc
Trong tiết trời ấm áp của những ngày cuối năm 2024, nông dân xã Suối Cao mang nhiều cung bậc cảm xúc khi cây công nghiệp đang thời kỳ ra hoa, dưỡng trái, cây ngắn ngày ngả màu vàng chờ ngày thu hoạch. Chỉ tay về những hàng tiêu xanh tít tắp, chuối cấy mô mang nặng buồng, cà phê đang ra hoa, cao su đang thay lá, nông dân Trần Cao Thắng (ngụ ấp Chà Rang, xã Suối Cao) nói vui, vườn rẫy của ông có nhiều loại cây trồng như bản thân ông đang đảm nhiệm nhiều chức vụ trong ấp, xã (Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp, Giám đốc HTX Hồ tiêu Suối Cao).
“11 hécta đất của gia đình tôi được thiết kế theo từng khu vực riêng cho từng loại cây thích hợp. Trong đó, hồ tiêu 3 hécta, cao su 4,5 hécta, chuối cấy mô 2 hécta và 5 sào cà phê. Ngoài hồ tiêu, cao su có tuổi đời từ 8-10 năm, các loại cây khác tôi trồng thử nghiệm trong vài năm trở lại đây” - ông Trần Cao Thắng bộc bạch.
Trong khi đó, với một chút bận rộn vì phải đối phó với những cơn mưa cuối mùa khi 3 hécta sầu riêng trong vườn vừa ra hoa đợt 1, nông dân Võ Tấn Năng (ngụ ấp Cây Da) vẫn hồ hởi khoe, cũng nhờ kịp thời chuyển đổi vườn tạp (điều, tiêu, bơ) vào năm 2016 sang trồng cây sầu riêng nên giờ ông chỉ lo 2 việc lớn gồm: gia đình hạnh phúc và chăm sóc sầu riêng sao cho đậu nhiều trái, chất lượng trái tốt. Sau đó, vợ chồng ông thảnh thơi ngồi nhà chờ mối lái vào thu hoạch, đếm tiền.
“Không chỉ riêng vợ chồng tôi, mà tất cả nông dân trồng sầu riêng ở ấp Cây Da này đều an nhàn nhưng có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm khi sở hữu 1 hécta sầu riêng 5-6 tuổi. Trước kia, 1 hécta đất trồng đủ loại cây, quanh năm tất bật chăm sóc chỉ thu được vài chục triệu đồng là mừng” - ông Võ Tấn Năng nói.
Xã Suối Cao có trên 3 ngàn hécta đất trồng cây lâu năm và gần 1,2 ngàn hécta đất trồng cây ngắn ngày. Hiện nay, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đã được nông dân phủ kín bằng các cây trồng chủ lực của địa phương như: hồ tiêu, sầu riêng, mít, bơ, cà phê, cao su, chuối, nghệ, bắp… Tuy vậy, theo Phó chủ tịch UBND xã Suối Cao Nguyễn Thị Huế, nông - lâm nghiệp - thủy sản hiện chỉ chiếm 31,8% trong cơ cấu kinh tế của địa phương nên xã Suối Cao không còn là xã thuần nông, mà đang phát triển theo hướng thương mại, dịch vụ; công nghiệp, xây dựng.
“Nét nổi bật của xã Suối Cao trong những năm qua là dù tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản giảm so với các ngành thương mại, dịch vụ (chiếm 31,8%), công nghiệp, xây dựng (chiếm 3,2%) nhưng tăng trưởng và đóng góp của lĩnh vực này cho nền kinh tế địa phương rất lớn, nhất là góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho hộ sản xuất nông nghiệp” - bà Nguyễn Thị Huế bộc bạch.
Gió từ núi Gia Lào (Chứa Chan) đổ về xã Suối Cao như gọi mời cho cây trồng đâm chồi, nảy lộc, đậu trái để đón xuân vui. Nông dân Trần Văn Khánh (ngụ ấp Phượng Vỹ) hướng về ngọn núi Gia Lào hùng vĩ tâm sự, xuân của đất trời kết hợp với xuân trong lòng người mới là xuân trọn vẹn, hữu tình…
“Năm 2024 sắp kết thúc với niềm vui, nhiều loại cây trồng hứa hẹn được mùa, được giá sẽ tạo đà cho nông dân xã Suối Cao tăng tốc, quyết liệt cùng chính quyền trong xây dựng và phát triển kinh tế hộ” - ông PHẠM VĂN BÌNH (ngụ ấp Chà Rang) bày tỏ.