Xã Tân Hưng – 'Kho báu' nhãn đặc sản của Hưng Yên

Vừa là vùng trồng nhãn lớn nhất tỉnh, vừa lưu giữ nhiều giống nhãn cổ quý, xã Tân Hưng đang trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp đặc sản. Với định hướng sản xuất an toàn, hữu cơ, nơi đây không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn góp phần khẳng định thương hiệu nông sản Hưng Yên trên thị trường trong nước và quốc tế.

Giữ gìn giống nhãn cổ – Gìn giữ hương vị đặc sản quê hương

Hiện nay xã Tân Hưng có khoảng 330 ha trồng nhãn, trong đó 240 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Điểm khác biệt của vùng nhãn này không chỉ ở quy mô sản xuất mà còn ở việc gìn giữ, phát triển nhiều giống nhãn cổ quý hiếm, những sản vật từng được lưu truyền để “tiến vua”, như nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ.

Ông Bùi Xuân Tám, thôn Nễ Châu, xã Tân Hưng trồng hơn 100 gốc nhãn cùi cổ

Ông Bùi Xuân Tám, thôn Nễ Châu, xã Tân Hưng trồng hơn 100 gốc nhãn cùi cổ

Nhãn đường phèn là loại quả được mệnh danh là “vương giả chi quả”, nổi bật với đặc điểm quả nhỏ, vỏ mỏng, cùi dày, ánh vàng trong, vân múi căng mọng. Khi ăn, cùi giòn mềm, ngọt thanh, hương thơm dịu nhẹ, để lại dư vị tinh tế. Nhờ hình thức đẹp và hương vị đặc trưng, giống nhãn này được thị trường ưa chuộng, đặc biệt trong phân khúc biếu tặng. Nhiều hộ dân địa phương đang tích cực nhân rộng giống này theo hướng VietGAP và hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Với những ưu điểm vượt trội, nhãn cùi cổ đã và đang được người dân Tân Hưng bảo tồn, phát triển. Ông Bùi Xuân Tám, thôn Nễ Châu, là người sưu tầm và lưu giữ giống nhãn này từ những năm 1990. Đến nay, vườn nhà ông có hơn 100 gốc nhãn cùi cổ. Năm 2022, một cây trong vườn được Sở Nông nghiệp và Môi trường công nhận là cây đầu dòng với mã hiệu HYT19, mang tên “Nhãn cùi cổ Bùi Tám”. “Công sức bảo tồn giống quý được ghi nhận là niềm tự hào không chỉ của gia đình tôi mà còn của cả làng nghề”, ông Tám chia sẻ.

Giống nhãn đường phèn trồng ở xã Tân Hưng có đặc điểm quả nhỏ, vỏ mỏng, cùi dày, ánh vàng trong, vân múi căng mọng...

Giống nhãn đường phèn trồng ở xã Tân Hưng có đặc điểm quả nhỏ, vỏ mỏng, cùi dày, ánh vàng trong, vân múi căng mọng...

Ngoài ra, xã Tân Hưng còn sở hữu các giống nhãn đặc sắc khác như nhãn cùi vân, nhãn đường phèn quả vuông... đang được nhiều hộ dân nhân rộng, góp phần làm phong phú sản phẩm và nâng cao thu nhập. Anh Trịnh Việt Vương, ở thôn Nễ Châu cho biết: Gia đình tôi có 1 mẫu vườn trồng nhãn đường phèn, ngoài ra tôi liên kết sản xuất với một số hộ trong tỉnh, chuyên canh nhãn đường phèn. Mỗi vụ thu hoạch, khách quen từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mua từ sớm. Năm nay, gia đình tôi thu khoảng 4 tấn quả và hỗ trợ tiêu thụ thêm khoảng 20 tấn cho người dân với giá từ 80.000 đồng/kg trở lên.

Phát triển vùng trồng hữu cơ, hướng tới xuất khẩu

Không dừng lại ở việc bảo tồn giống quý, xã Tân Hưng đang tiên phong trong chuyển đổi tư duy sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng tới xây dựng vùng nhãn hữu cơ đạt chuẩn xuất khẩu. Đây là một trong hai địa phương của tỉnh (cùng xã Triệu Việt Vương) được cấp mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu sang Mỹ, thị trường khó tính bậc nhất về an toàn thực phẩm.

Thành viên Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng chăm sóc nhãn

Thành viên Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng chăm sóc nhãn

Hiện nay xã có 16 hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản như nhãn tươi, long nhãn, mật ong, bột sắn, trồng dược liệu, nuôi cá lồng… Trong đó, nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất an toàn, liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, mở ra hướng đi ổn định, bền vững.

Là một trong những hộ chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ từ sớm, ông Bùi Xuân Sử chia sẻ: Trồng nhãn hữu cơ vất vả hơn, nhưng đổi lại quả ngọt đậm, sạch, dễ tiêu thụ. Ngay đầu vụ đã có thương lái đặt mua với giá cao.

Xác định phát triển vùng nhãn đặc sản là định hướng chiến lược, xã Tân Hưng đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp: nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng, đẩy mạnh liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Bí thư Đảng ủy xã Vũ Văn Thắng cho biết: Xã sẽ tiếp tục củng cố hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã, mở rộng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; phấn đấu đưa thương hiệu nhãn Tân Hưng vươn xa, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Nhãn đường phèn hiện được bán với giá từ 80.000 đồng/kg trở lên, cao gấp 4 - 5 lần so với các giống nhãn khác

Nhãn đường phèn hiện được bán với giá từ 80.000 đồng/kg trở lên, cao gấp 4 - 5 lần so với các giống nhãn khác

Hưng Yên hiện có khoảng 50 nguồn gen nhãn đang được bảo tồn và phát triển, trong đó trên 40 nguồn gen có nguồn gốc bản địa. Tân Hưng không chỉ là địa phương có sản lượng lớn mà còn giữ vai trò hạt nhân quan trọng trong việc bảo tồn giống nhãn cổ, góp phần bảo vệ tài nguyên di truyền cây trồng và phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Dương Miền – Hương Giang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-tan-hung-kho-bau-nhan-dac-san-cua-hung-yen-3182532.html