Tăng trưởng quý II/2025 của Trung Quốc vượt kỳ vọng

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý II/2025, giảm bớt áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách phải tăng cường kích thích để hỗ trợ tăng trưởng.

Công nhân làm việc bên dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy ô tô của công ty FAW-Volkswagen ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Công nhân làm việc bên dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy ô tô của công ty FAW-Volkswagen ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 5,2% trong quý II/2025, theo số liệu được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 15/7.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng quý II vượt qua ước tính 5,1% của các nhà kinh tế được Reuters khảo sát, nhưng vẫn chậm lại so với mức tăng trưởng 5,4% của quý I.

Trong tháng 6, tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đã chậm lại còn 4,8% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 5. Con số đó cũng thấp hơn mức dự báo tăng 5,4% của các nhà kinh tế được Reuters khảo sát.

Trong thước đo tiêu dùng quan trọng đó, doanh số dịch vụ ăn uống chỉ tăng nhẹ 0,9%, mức tăng khiêm tốn nhất kể từ tháng 12/2022 khi đất nước tỷ dân đang vật lộn với đại dịch Covid-19, theo Wind Information. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn ước tăng trung bình là 5,7%.

Trung Quốc ghi nhận đầu tư tài sản cố định tăng 2,8% trong nửa đầu năm nay, thấp hơn so với ước tính tăng 3,6% trong cuộc thăm dò của Reuters. Sự sụt giảm trong đầu tư bất động sản ngày càng sâu sắc, giảm xuống còn 11,2% trong nửa đầu năm, so với mức giảm 10,7% trong 5 tháng đầu năm, trong khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất cũng chậm lại.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị vẫn ở mức 5% trong tháng 6, sau khi đạt mức cao nhất trong hai năm là 5,4% vào tháng 2.

"Mặc dù tăng trưởng có thể chậm lại trong nửa cuối năm, nhưng mục tiêu tăng trưởng 5% của chính phủ Trung Quốc có thể nằm trong tầm tay", Tianchen Xu, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, cho biết. Ông dự đoán các nhà hoạch định chính sách sẽ không triển khai thêm các biện pháp kích thích kinh tế tại cuộc họp sắp tới của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối tháng 7.

Bắc Kinh có thể trì hoãn các biện pháp kích thích kinh tế lớn cho đến tháng 9 để thực hiện nỗ lực cuối cùng, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng nếu đà tăng trưởng chững lại, ông Xu nhận định.

Vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên 145% - một mức thuế được cho là ngang với cấm vận thương mại. Động thái này khiến Bắc Kinh phải đẩy mạnh một loạt các biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm hỗ trợ tài chính cho các nhà xuất khẩu đang gặp khó khăn trong việc nhận đơn đặt hàng, trợ cấp cho các công ty tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp và tiếp tục mở rộng chương trình đổi hàng tiêu dùng để thúc đẩy nhu cầu.

"Chúng ta nên nhận thức rằng có nhiều yếu tố bất ổn và không chắc chắn trong môi trường bên ngoài", Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc nêu trong một thông cáo bằng tiếng Anh, đồng thời lưu ý rằng nhu cầu trong nước là "không đủ".

Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận "đình chiến" thương mại vào tháng 5, đồng ý dỡ bỏ hầu hết các mức thuế quan áp lên nhau.

Các nhà đàm phán thương mại của hai bên sau đó đã phác thảo một khuôn khổ sau cuộc họp tại London vào tháng 6, bao gồm việc Trung Quốc đẩy nhanh việc phê duyệt xuất khẩu khoáng sản đất hiếm còn Washington rút lại các hạn chế đối với việc Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Mỹ và thị thực du học của sinh viên Trung Quốc tại Mỹ.

Bắc Kinh phải đối mặt với thời hạn chót là ngày 12/8 để đạt được một thỏa thuận lâu dài với Washington.

Vào tháng 5, giới lãnh đạo Trung Quốc đã công bố một loạt các bước đi chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi thuế quan, bao gồm cắt giảm lãi suất và bơm thêm thanh khoản vào thị trường.

Các biện pháp kích thích đã giúp thúc đẩy một số khía cạnh của nền kinh tế Trung Quốc. Bằng chứng là các cuộc khảo sát chính thức và tư nhân đều cho thấy sự cải thiện trong hoạt động sản xuất chế tạo.

Xuất khẩu cũng phần lớn vẫn duy trì khả năng phục hồi trong quý này khi các doanh nghiệp tại Trung Quốc tăng tốc chuyển hướng thương mại sang các thị trường thay thế.

Tính đến tháng 6 năm nay, lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 10,9%, trong khi xuất khẩu sang các quốc gia Đông Nam Á và các nước Liên minh châu Âu (EU) - hai thị trường khu vực được Trung Quốc coi là đối tác thương mại lớn nhất - lần lượt tăng 13% và 6,6%.

Điều này đã đưa tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ lên 11,9% trong nửa đầu năm nay, từ mức 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu hải quan công bố hôm 14/7.

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc nhìn chung vẫn vững mạnh trong năm nay, được thúc đẩy bởi xuất khẩu mạnh mẽ và các biện pháp hỗ trợ, các nhà kinh tế phần lớn vẫn thận trọng trước những khó khăn kinh tế sắp tới, kêu gọi ban lãnh đạo Trung Quốc đưa ra các biện pháp kích thích tài khóa mới.

Trong một báo cáo được công bố tuần trước cùng với hai nhà kinh tế khác, cố vấn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) Huang Yiping cho rằng, các nhà chức trách cần bổ sung tới 1.500 tỷ nhân dân tệ vào gói kích thích tài khóa để thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình và bù đắp tác động từ thuế quan của Mỹ, cùng với cắt giảm lãi suất hơn nữa.

Mặc dù dữ liệu kinh tế cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt trên 5% trong quý II/2025, nhưng "các chỉ số sâu hơn như chỉ số giá tiêu dùng suy yếu, chỉ số nhà quản lý mua hàng suy yếu, động lực tín dụng thận trọng và tỷ lệ thất nghiệp cao của lao động nhập cư cho thấy sự mong manh tiềm ẩn", các nhà kinh tế nhận định.

Các nhà kinh tế cho biết cần có những cải cách cơ cấu xung quanh các kế hoạch tài khóa, hệ thống lương hưu và lĩnh vực tài chính của Trung Quốc để đảm bảo tăng trưởng cân bằng và bền vững hơn.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-truong-quy-ii2025-cua-trung-quoc-vuot-ky-vong-d331842.html