Xã Thanh Sơn - Phú Thọ: Tăng cường đầu tư nguồn lực cho bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa dân tộc Mường

Thanh Sơn là xã miền núi của tỉnh Phú Thọ có 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Mường chiếm gần 60% dân số. Bản sắc văn hóa của dân tộc Mường từ những ngôi nhà sàn, trang phục, ẩm thực, tiếng nói, nhạc cụ, nghệ thuật trình diễn dân gian đến công cụ lao động sản xuất... còn được lưu giữ và phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng. Vì vậy, trong những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn luôn được xã Thanh Sơn quan tâm, chú trọng và phát huy.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường tại xã Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển đã có buổi phỏng vấn với ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc trung tâm phục vụ hành chính công xã Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc trung tâm phục vụ hành chính công xã Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ

PV: Xin ông cho biết, xã Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ hiện nay có tất cả bao nhiêu dân tộc sinh sống và dân tộc Mường chiếm bao nhiêu phần trăm?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Xã Thanh Sơn được thành lập sau khi hợp nhất và tổ chức lại từ 5 đơn vị hành chính cấp xã cũ của huyện Thanh Sơn, gồm: Thị trấn Thanh Sơn, Sơn Hùng, Giáp Lai, Thạch Khoán, Thục Luyện. Có diện tích tự nhiên: 84,548 km², quy mô dân số: 38.776 người (trong đó có 23,75% là đồng bào dân tộc thiểu số).

PV: Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Mường, xã Thanh Sơn đã triển khai thực hiện Đề án “Kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”; Đề án “Tiếp tục công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021 - 2025”. Vậy khi thực hiện các đề án trên của UBND xã Thanh Sơn, trong 5 năm qua, xã đã có những hoạt động gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Trong những năm qua, trước khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường luôn được Đảng ủy, UBND Thị trấn Thanh Sơn và các xã Sơn Hùng, Thục Luyện, Giáp Lai, Thạch Khoán đặc biệt quan tâm. Địa phương đã tích cực triển khai các đề án chuyên đề của huyện và tỉnh như: Đề án “Kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017–2020, định hướng đến năm 2025”, và tiếp nối là đề án giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, xã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống như: Lễ hội Đình Thạch Khoán, Lễ hội Đình Chung, Lễ cầu an tại chùa Viên Minh...; khuyến khích phục dựng trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc, nghi lễ tín ngưỡng đặc trưng của người Mường. Đồng thời, gắn công tác bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh.

Bên cạnh đó, xã Thanh Sơn đã và đang chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý di sản; triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nâng cao điều kiện thụ hưởng văn hóa cho Nhân dân; đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao; thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

PV: Ông cho biết thêm, từ khi ban hành đề án đến nay, UBND xã Thanh Sơn đã triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Ngay sau khi được phê duyệt các đề án liên quan đến bảo tồn văn hóa dân tộc Mường, UBND xã Thanh Sơn đã xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng năm, phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận, địa bàn. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các ban ngành cấp huyện, các nghệ nhân, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để kiểm kê, sưu tầm và phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể như mo Mường, khèn bè, hát ru, tục thờ cúng tổ tiên, nghi lễ vòng đời người... Ngoài ra, xã đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy, giao lưu văn hóa giữa các thế hệ, góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa Mường trong cộng đồng và trong trường học, nhất là với thanh thiếu niên.

Đến thời điểm hiện tại, xã Thanh Sơn có: 13 bộ chiêng, 15 bộ đuống, 552 bộ trang phục dân tộc Mường được duy trì hoạt động hiệu quả tại 11 câu lạc bộ.

PV: Trong quá trình thực hiện đề án, địa phương gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Khó khăn lớn nhất là sự mai một của các giá trị văn hóa truyền thống do tác động của quá trình hiện đại hóa và lối sống đô thị. Nhiều thanh niên rời quê đi làm ăn xa, thiếu hụt lớp kế cận hiểu biết và có khả năng truyền dạy văn hóa dân tộc. Một số di sản văn hóa phi vật thể đang đứng trước nguy cơ bị quên lãng nếu không được bảo tồn kịp thời.

Bên cạnh đó, nguồn lực và kinh phí để thực hiện đề án còn hạn chế; việc xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh địa phương mới sáp nhập, còn đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cơ bản.

PV: Để bảo tồn và phát triển hơn nữa các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, xã Thanh Sơn cần có những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Thời gian tới, xã Thanh Sơn xác định cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân về vai trò, giá trị văn hóa dân tộc Mường trong phát triển bền vững.

Tăng cường đầu tư nguồn lực cho bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa, đặc biệt là các loại hình văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một. Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, truyền dạy văn hóa Mường trong nhà trường, câu lạc bộ dân ca, các nhóm nghệ nhân tại cộng đồng dân cư.

Kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển du lịch, xây dựng Thanh Sơn là điểm du lịch kết nối liên vùng; định hướng phát triển du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm với các sản phẩm như: làm bánh nẳng, thịt chua truyền thống, xôi ngũ sắc... gắn với văn hóa Mường và các dân tộc thiểu số khác như tour tham quan nhà sàn truyền thống, nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú và ăn uống...

Thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, người dân cùng chung tay gìn giữ, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của đời sống xã hội.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Mộc Miên (Thực hiện)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/xa-thanh-son-phu-tho-tang-cuong-dau-tu-nguon-luc-cho-bao-ton-phuc-dung-cac-gia-tri-van-hoa-dan-toc-muong-a29556.html