Xã Trung Thượng bảo tồn giá trị truyền thống dân tộc Thái
Mỗi khi nhắc đến văn hóa dân tộc Thái ở xã Trung Thượng (Quan Sơn), người ta sẽ nghĩ ngay đến những nếp nhà sàn, những món ăn dân tộc, những cô gái Thái bên khung cửi với nghề dệt thổ cẩm truyền thống...
Cô, trò Trường PTDTBT THCS Trung Thượng trong trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.
Ngoài ra, đồng bào dân tộc Thái ở đây còn có một kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng, với nhiều loại hình nghệ thuật đặc trưng, như: hát khặp, múa cá sa, khua luống, đánh trống chiêng, múa sạp, hát khặp, đẩy gậy, kéo co, ném còn... đều được các làng, bản duy trì và tổ chức vào dịp lễ, tết, cưới hỏi, làng có việc lớn và các sự kiện quan trọng của đất nước. Để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, những năm gần đây, cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong xã đã có nhiều giải pháp bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Đến nay, gần 70% người dân trong xã còn đang sinh sống trong những nếp nhà sàn truyền thống; các trò chơi, trò diễn dân gian dần được khôi phục; nhiều người dân trong xã còn gìn giữ được chữ Thái cổ; tục làm đám cưới, tục làm vía. Đặc biệt, từ năm học 2017-2018 đến nay, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Trung Thượng đã đưa nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là dân tộc Thái vào các chương trình hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh và lồng ghép tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian để các em được hòa mình vào không gian văn hóa các dân tộc. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các hội thi vào các ngày lễ, như: lễ mừng cơm mới; tết của người Thái; chúng em với nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc Thái... Qua đó, giúp các em nâng cao nhận thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ông Hà Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Trung Thượng, cho biết: Thông qua việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã thúc đẩy phong trào xây dựng làng văn hóa. Nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được hình thành, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia. Đến nay, xã đã có 5/6 bản được công nhận bản văn hóa, 85% gia đình đạt gia đình văn hóa; hầu hết các bản đều có 2 đội văn nghệ, 1 đội bóng chuyền, 1 đội bóng đá hoạt động và duy trì thường xuyên. Việc hiếu hỷ được người dân tổ chức theo nếp sống mới đơn giản, tiết kiệm, lành mạnh...