Xã vùng cao trồng dưa chuột bao tử theo hướng liên kết
Là xã vùng cao, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng với sự nhạy bén, xã Bình Long (Võ Nhai) đã triển khai mô hình trồng dưa chuột bao tử, góp phần tạo nguồn thu mới, giải quyết việc làm cho người dân.
Vụ đông năm 2023, xã Bình Long đã tổ chức cho gần 50 nông dân, chủ yếu là thành viên HTX nông lâm nghiệp và môi trường Thống Nhất, đi tham quan, học hỏi mô hình trồng dưa chuột bao tử tại xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn (giáp ranh với xã Bình Long).
Ông Trần Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long, cho biết: Ngay sau chuyến tham quan, chính quyền xã đã liên hệ và làm việc với Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hùng Sơn (tỉnh Hải Dương) và được Xí nghiệp ký cam kết bao tiêu sản phẩm dưa chuột của bà con. Đồng thời, Xí nghiệp sẽ cung ứng trước các loại vật tư và thu lại tiền sau khi bà con thu hoạch lứa dưa chuột cuối cùng.
Theo đó, từ đầu tháng 10-2023, người dân xã Bình Long bắt đầu trồng dưa chuột bao tử trên diện tích 82 sào, với 21 hộ tham gia, thuộc các xóm Đồng Bản, Quảng Phúc, Long Thành. Bà con được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch.
Ông Lương Văn Sen, ở xóm Long Thành chia sẻ: Hàng chục năm nay, đây là lần đầu tiên gia đình tôi trồng cây vụ đông. Với 2 sào dưa chuột, sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình thu lãi được 18 triệu đồng. Sau khi thu hoạch lứa dưa cuối cùng, tôi sẽ làm đất để ra Tết Nguyên đán sẽ trồng vụ dưa tiếp theo và mở rộng diện tích thêm 4 sào nữa.
Cách ruộng dưa chuột của ông Sen khoảng 500m là ruộng của gia đình bà Nông Thị Huê. Vụ đông năm nay, gia đình bà trồng 4,6 sào dưa chuột. Bà Huê cho biết: Từ đầu vụ trồng dưa chuột đến nay, gia đình tôi đã thu hái được 1,5 tấn quả. Tùy quả to hay nhỏ, Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hùng Sơn sẽ mua theo 3 mức giá khác nhau, từ 3 nghìn đồng đến 9 nghìn đồng, có loại là 12 nghìn đồng/kg. Nếu thu hoạch đến hết vụ, doanh thu ước đạt khoảng 11 triệu đồng/sào.
Ông Trần Tuấn Hồi, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp và môi trường Thống Nhất, cho biết: Theo đánh giá ban đầu, mỗi sào dưa chuột bao tử cho thu nhập 6-10 triệu đồng, cao gấp 3-4 lần so với cấy lúa, trồng ngô trên cùng diện tích. Còn theo bà Nguyễn Thị Thắm, Trưởng xóm Long Thành: Xóm hiện có 110 hộ, trong đó có 17 hộ nghèo và 40 hộ cận nghèo. Việc đưa cây dưa chuột vào trồng là cơ hội tạo nguồn thu nhập mới, mở ra hướng thoát nghèo cho bà con trong thời gian tới.
Theo đánh giá, xã Bình Long hiện vẫn còn tiềm năng về đất đai, diện tích đất nông nghiệp chủ yếu chỉ cấy lúa 2 vụ hoặc 1 vụ; nguồn nước tưới dồi dào; lực lượng lao động nhàn rỗi tương đối lớn do không có nghề phụ... Đây là những yếu tố thuận lợi để mở rộng diện tích trồng dưa chuột bao tử.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long, cho biết thêm: Từ hiệu quả bước đầu mà cây dưa chuột mang lại, chúng tôi đang xây dựng phương án mở rộng diện tích trồng. Qua đó góp phần xây dựng chuỗi hàng hóa, giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định. Nhưng để làm được điều này, xã rất mong cấp trên và các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ bà con về giống, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật…
Xã Bình Long hiện còn 8/19 xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn. Theo quy định của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, 8 xóm này sẽ được hỗ trợ về sản xuất (quy định cụ thể tại Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 của Chương trình). Do vậy, thiết nghĩ các ngành chức năng và huyện Võ Nhai cần sớm có phương án hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo ở 8 xóm đặc biệt khó khăn của xã Bình Long để bà con có điều kiện nhân rộng mô hình trồng dưa chuột bao tử, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững...