Xác định đúng nhu cầu của người dân để triển khai chương trình hiệu quả

Để triển khai tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND xã Vân Trình, huyện Thạch An, Tỉnh Cao Bằng cho rằng, cần xác định đúng nhu cầu của người dân, từ đó tuyên truyền vận động nhân dân tham gia, nhân dân hưởng lợi.

Nhằm nhìn lại sau gần 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được đi vào thực thi tại địa phương, phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với bà Nông Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Vân Trình, huyện Thạch An, Tỉnh Cao Bằng.

+ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Vân Trình bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Những kết quả tích cực ấy là gì, thưa bà?

- Bà Nông Thị Hà: Những kết quả tích cực ấy là các hộ nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà ở đảm bảo an sinh xã hội. Tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo.

Các công trình GTNT được quan tâm thực hiện giúp cho nhân dân đi lại thuận tiện, đưa cơ giới hóa máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được thuận tiện. áp dụng khoa học kỹ thuật thâm canh tăng vụ, tăng năng suất và giá trị kinh tế cho người dân.

+ Bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm từ việc triển khai chương trình tại địa phương những năm qua?

- Bà Nông Thị Hà: Để triển khai thực hiện tốt chuơng trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi bên cạnh sự chỉ đạo thường xuyên quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì việc chủ động tham gia các chương trình dự án của người dân là thực sự quan trọng cần thiết với phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng. Việc xác định đúng nhu cầu của người dân, từ đó tuyên truyền vận động nhân dân tham gia, nhân dân hưởng lợi.

+ Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi xóa đói giảm nghèo, từ thực tiễn tại địa phương, đâu là điểm mấu chốt cần tập trung, thưa bà?

- Bà Nông Thị Hà: Với điều kiện thực tiễn của xã Vân Trình thì điểm mấu chốt cần tập trung đó là hỗ trợ phát triển sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ khởi nghiệp, kinh doanh dịch vụ hàng nông sản, du lịch cộng đồng… và đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ cho phát triển nông nghiệp địa phương.

+ Một trong những tác động được xem là tích cực nhất từ Chương trình mục tiêu quốc gia là giúp cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội tại địa phương. Bà có thể nói rõ hơn về những đổi thay tích cực này?

- Bà Nông Thị Hà: Cơ sở hạ tầng được đầu tư, giao thông đi lại thuận tiện làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần xây dựng NTM xã Vân Trình.

 Trường học ở xã Vân Trình (Thạch An) được đầu tư xây dựng khang trang.

Trường học ở xã Vân Trình (Thạch An) được đầu tư xây dựng khang trang.

+ Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Đó là những khó khăn như: Việc bố trí đối ứng để thực hiện các chương trình theo tỷ lệ quy định là rất khó đảm bảo. Một số nội dung hỗ trợ còn thấp, khó áp dụng trong điều kiện địa bàn vùng dân tộc miền núi… Đây có phải là những vướng mắc mà địa phương vướng khi triển khai thực hiện chương trình không, thưa bà?

- Bà Nông Thị Hà: Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc, đó là những khó khăn như: Việc bố trí đối ứng để thực hiện các chương trình theo tỷ lệ quy định là rất khó đảm bảo. Một số nội dung hỗ trợ còn thấp, khó áp dụng trong điều kiện địa bàn vùng dân tộc miền núi…

+ Một trong những vướng mắc lớn cũng là hiện tượng đáng lo ngại mà nhiều địa phương cũng đang gặp phải là tư tưởng còn ỷ lại, chưa muốn thoát nghèo của người dân một số vùng, thậm chí còn có hiện tượng không muốn thoát nghèo để được tiếp tục hưởng trợ cấp. Theo bà, nguyên nhân của những tư tưởng này là do đâu? Địa phương đã có những chủ trương, giải pháp như thế nào để thay đổi nhận thức của người dân?

- Bà Nông Thị Hà: Một trong những vướng mắc xã Vân Trình đang gặp phải là tư tưởng còn ỷ lại, chưa muốn thoát nghèo của một số hộ, thậm chí còn có hiện tượng không muốn thoát nghèo để được tiếp tục hưởng trợ cấp.

Xã Vân trình đã tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, vấn đề quan trọng nhất là nội lực, sự cố gắng của người dân chủ động phát triển kinh tế theo định hướng thị trường thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thêm vào đó, báo chí đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, phản ánh kịp thời, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền triển khai thực hiện chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia… đến đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn

Nhờ có sự phối hợp, hỗ trợ của phương tiện truyền thông báo chí trong việc đưa tin bài, những cách làm hiệu quả hay, sáng tạo của các đơn vị để người dân địa phương được biết, học hỏi.

+ Xin cảm ơn bà!

Thành Vinh (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xac-dinh-dung-nhu-cau-cua-nguoi-dan-de-trien-khai-chuong-trinh-hieu-qua-post275599.html