Xác định rõ các loại dữ liệu bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, luồng dữ liệu xuyên biên giới ngày càng gia tăng đòi hỏi phải có khung pháp lý rõ ràng để quản lý.

Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật Dữ liệu.

Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật Dữ liệu.

Tiếp tục Kỳ họp thứ tám, chiều 22/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự án Luật Dữ liệu.

Tờ trình nêu rõ, mục đích ban hành luật nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục.

Mục đích ban hành luật còn nhằm hình thành và từng bước mở rộng kho dữ liệu tổng hợp, kho dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng phục vụ sáng tạo, triển khai các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 67 điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.

Thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu.

Về một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban thẩm tra Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban này cơ bản nhất trí quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia.

Có ý kiến đề nghị làm rõ về các nguồn tài chính hình thành Quỹ; quy định rõ những hoạt động được chi từ ngân sách Nhà nước, hoạt động được chi từ Quỹ, bảo đảm rõ ràng, minh bạch. Có ý kiến đề nghị cân nhắc, làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng Quỹ; đề nghị cân nhắc các nội dung chi của Quỹ để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.

Về việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, báo cáo thẩm tra đầy đủ cho biết Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng cơ bản nhất trí. Bên cạnh đó có ý kiến cho rằng, đây là nội dung mới so với đề xuất xây dựng luật nhưng Tờ trình chưa làm rõ sự cần thiết của quy định này.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, luồng dữ liệu xuyên biên giới ngày càng gia tăng đòi hỏi phải có khung pháp lý rõ ràng để quản lý. Các hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ số xuyên biên giới và sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia tại Việt Nam đã tạo ra những thách thức mới trong việc quản lý và bảo vệ dữ liệu của tổ chức và người dân.

Từ góc độ an ninh quốc gia, việc quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cần thận trọng, chặt chẽ để bảo vệ chủ quyền số và lợi ích quốc gia nhưng cũng phải bảo đảm hài hòa với thông lệ quốc tế, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính làm cản trở luồng dữ liệu an toàn, tự do xuyên biên giới.

Việc quy định chuyển dữ liệu ra nước ngoài cần được cân nhắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân liên quan đến dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam; đề nghị xác định rõ các loại dữ liệu bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài, các trường hợp được thực hiện chuyển dữ liệu, quy trình chuyển dữ liệu ra nước ngoài... quy định về lưu trữ bản sao dữ liệu quan trọng tại Việt Nam và truy xuất, kiểm soát dữ liệu khi đã chuyển giao; trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố dữ liệu. Đề nghị rà soát quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong việc quyết định chuyển giao dữ liệu, tuân thủ quy định về đánh giá dữ liệu để tránh chồng chéo trong quản lý .

Có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát quy định đảm bảo thống nhất trong việc chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài, đặc biệt là dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện đang được Bộ Công an chủ trì xây dựng .

Vì vậy, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các ý kiến nêu trên để quy định việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài bảo đảm phù hợp.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xac-dinh-ro-cac-loai-du-lieu-bi-cam-hoac-han-che-chuyen-ra-nuoc-ngoai-d228048.html