Xác định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Tư pháp quốc gia

TS Nguyễn Mai Bộ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân, cho rằng, dự thảo luật mới chỉ đề cập tới chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư pháp quốc gia từ khi nhận được hồ sơ do tòa án nhân dân cấp dưới đề nghị. Do vậy, chức năng 'bảo đảm độc lập trong hoạt động của thẩm phán và độc lập giữa các cấp tòa án...' là chưa thật sự thuyết phục.

Ngày 14-9, tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Tư pháp tổ chức, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến thiết chế “Hội đồng Tư pháp quốc gia”.

Theo dự thảo luật, Hội đồng Tư pháp quốc gia được thành lập trên cơ sở kế thừa tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; có bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần. Hội đồng Tư pháp quốc gia có chức năng tuyển chọn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm thẩm phán, xem xét các khiếu nại liên quan đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật thẩm phán; giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các tòa án nhân dân; bảo vệ thẩm phán…

Đây là bước đi cụ thể nhằm thể chế hóa nhiệm vụ “Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Các ý kiến tại hội thảo đề nghị làm rõ hơn địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư pháp quốc gia. Theo các chuyên gia, dự thảo Luật quy định thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia trên cơ sở kế thừa tổ chức và hoạt động của Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia. Nếu như vậy không nên thay đổi tên gọi của Hội đồng, trừ khi việc thành lập Hội đồng có tính đột phá.

Phân tích về hoạt động của Hội đồng, TS Nguyễn Mai Bộ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân, cho rằng, dự thảo luật mới chỉ đề cập tới chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư pháp quốc gia từ khi nhận được hồ sơ do tòa án nhân dân cấp dưới đề nghị.

Do vậy, chức năng “bảo đảm độc lập trong hoạt động của thẩm phán và độc lập giữa các cấp tòa án; phòng ngừa khả năng người lãnh đạo quản lý sử dụng công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật hoặc những biện pháp hành chính khác như một công cụ để tác động, làm ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán khi xét xử” là chưa thật sự thuyết phục.

Ông Nguyễn Mai Bộ đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về Hội đồng ngay từ khâu phát hiện và trong quá trình đề nghị bổ nhiệm thẩm phán từ cơ sở.

Tán thành sự cần thiết thành lập hội đồng, TS Nguyễn Văn Tuân, Hội Luật gia Việt Nam, đề xuất mô hình Hội đồng Tư pháp quốc gia tinh gọn, hiệu quả; không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tòa án; kế thừa các chế định về quản lý tòa án. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về địa vị pháp lý của các chức danh tư pháp; đổi mới công tác quản lý cán bộ; xây dựng cơ chế phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ đối với công chức có tài năng trong hoạt động công vụ nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành tòa án.

Dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xac-dinh-ro-dia-vi-phap-ly-cua-hoi-dong-tu-phap-quoc-gia-post705610.html