XÁC ĐỊNH RÕ MỤC TIÊU TỔNG QUÁT VÀ MỤC TIÊU CỤ THỂ TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Quan tâm góp ý về 7 mục tiêu tổng quát, 09 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 09 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035, một số đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh để đảm bảo sự thống nhất, bao quát, trọng tâm, tránh chồng chéo giữa các mục tiêu tổng quát và các nhóm mục tiêu cụ thể của Chương trình.

Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua, nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”, phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra.

Chính phủ trình Quốc hội Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, với 07 mục tiêu tổng quát, 09 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 09 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035

Chính phủ trình Quốc hội Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, với 07 mục tiêu tổng quát, 09 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 09 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035

Chương trình có 07 mục tiêu tổng quát, gồm: Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của Nhân dân; Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; Tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa; Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao; Phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo; Nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chương trình cũng thiết kế với 09 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 09 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035, có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Cho ý kiến về các mục tiêu tổng quát và nhóm mục tiêu cụ thể của Chương trình, một số đại biểu Quốc hội đánh giá, các mục tiêu của Chương trình được xây dựng dựa trên các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa trong các nghị quyết của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn về hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình. Trong đó, mục tiêu tổng quát của Chương trình khá nhiều, có những nội dung đã bao quát các mục tiêu còn lại, có những nội dung là mục tiêu cụ thể.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Đại biểu cũng nêu quan điểm các mục tiêu cụ thể cần hướng đến việc thực hiện mục tiêu tổng quát, bảo đảm tính khả thi, phù hợp hơn với thực tiễn và khả năng nguồn lực đầu tư. Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể, sẽ xây dựng các giải pháp và xác định nguồn lực, tiến độ thực hiện để đạt được mục tiêu. Do vậy, Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể và có số liệu đầy đủ về hiện trạng; bổ sung nhận định làm cơ sở đề xuất hệ thống các mục tiêu, chỉ tiêu; bảo đảm rõ ràng, không trùng lặp, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, thể hiện được quan điểm đầu tư trọng tâm, trọng điểm và là căn cứ để xác định nhu cầu vốn đầu tư của Chương trình.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đánh giá cao sự đầu tư, nghiên cứu, xây dựng Chương trình của Chính phủ với 07 nhóm mục tiêu tổng quát, 09 mục tiêu cụ thể, 10 nội dung thành phần, 135 chỉ tiêu, 42 nhiệm vụ cụ thể và 186 hoạt động chi tiết thực hiện trong hai giai đoạn 2025 - 2030 và giai đoạn 2030 - 2035. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần rà soát, giảm thiểu sự trùng lặp về nội dung trong các chương trình đang triển khai thực hiện. Mặt khác, tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính độc lập tương đối của Chương trình nhưng cũng phải tranh thủ nguồn lực phù hợp từ các chương trình khác.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cũng thống nhất với các mục tiêu chung như Chính phủ trình đã đặt đúng tầm quốc gia, tuy nhiên, khi nghiên cứu các mục tiêu cụ thể, đại biểu cho rằng, giữa mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể chưa ăn nhập với nhau. Đại biểu lấy ví dụ mục tiêu tổng quát nêu: “Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam”, nhưng với 9 nhóm mục tiêu cụ thể như đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành 100% xây dựng, ban hành các bộ quy tắc ứng xử phù hợp với địa phương; hay mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030 ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo... lại không ăn nhập với mục tiêu tổng quát. Đại biểu bày tỏ lo ngại nếu không cẩn thận sẽ không giữ được văn hóa như khi chưa đầu tư, do đó cần nhấn mạnh đến quan điểm bảo tồn, phát huy giá trị, bởi có những di tích tuy nhỏ nhưng là di sản, nếu xây dựng lớn hơn thì không còn là di tích, di sản nữa.

“Đề nghị cần xây dựng chương trình về văn hóa quốc gia, lựa chọn những vấn đề lớn, cần sự tham gia của Nhà nước và nâng tầm văn hóa, duy trì và phát triển văn hóa, đây mới là mục tiêu quan trọng, không nên đưa các mục tiêu như có bao nhiêu phim tham gia liên hoan phim quốc tế, mà cần xây dựng những cơ chế, chính sách pháp lý để tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho văn hóa phát triển”, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nêu ý kiến.

Đại biểu Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đại biểu Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Quan tâm đến mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; Tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đại biểu Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, trong 07 mục tiêu tổng quát của chương trình, cơ quan soạn thảo cần xác định rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản truyền thống và các loại hình văn hóa do cha ông để lại đang tồn tại và được thực hành có ý nghĩa giá trị đối với cộng đồng xã hội. Cần coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số. Từ đó, chúng ta cần quan tâm, ưu tiên về nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa Việt Nam.

Cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 do Chính phủ trình đã bao quát hết các ngành, lĩnh vực, nhưng đại biểu Lê Hoàng Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai băn khoăn: Địa phương nào, lĩnh vực nào cũng đều có trong mục tiêu tổng quát và có trong mục tiêu cụ thể và các nội dung của Chương trình đưa ra. Như vậy, về cơ bản không còn là mục tiêu nữa, vì quá rộng nên không có đích cụ thể, do đó Chính phủ cần rà soát, tính toán thêm.

Đại biểu đề nghị xác định điểm mấu chốt trong mục tiêu phát triển văn hóa để lựa chọn; cần điều chỉnh mục tiêu tổng quát cụ thể, xác định những công việc chúng ta có thể xử lý được. Theo đại biểu, không nên xây dựng mục tiêu tổng quát quá lớn, mục tiêu cụ thể rất rộng như Chính phủ trình, mà nên tập trung vào một số nội dung cơ bản, đó là phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa và phát triển kinh tế thể thao. Trong đó, mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa cũng không nhất thiết phát triển tất cả 12 ngành, lĩnh vực, mà chỉ lựa chọn một số ngành, lĩnh vực then chốt tập trung đầu tư phát triển.

Đại biểu cũng đề xuất mục tiêu phát triển du lịch văn hóa để vừa phát triển kinh tế, vừa giáo dục truyền thống, vừa quảng bá được hình ảnh đất nước, con người, cũng như văn hóa Việt Nam ra thế giới. Cùng với đó, cần xác định phát triển kinh tế thể thao kết hợp với phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa - đây chính là ba trụ cột cần được xác định trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, để đảm bảo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, Chương trình xác định mục tiêu tổng quát; hệ thống khá lớn mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 2035 và hệ thống rất lớn các chỉ tiêu ở 10 nội dung thành phần của Chương trình.

Về Mục tiêu tổng quát của Chương trình, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát lại và biên tập lại, trong đó, mục tiêu “Tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam” đã bao quát hết 6 mục tiêu còn lại. Có những nội dung là những mục tiêu cụ thể, chưa bảo đảm tính tổng quát, như: Mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ… Đại biểu cũng đề nghị, khi xây dựng các mục tiêu cụ thể, cơ quan soạn thảo cần rà soát một cách kỹ lưỡng, tránh dàn trải, cần cân nhắc đặc điểm cụ thể của từng địa bàn để bảo đảm tính đa dạng về văn hóa cũng như bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và khả năng nguồn lực đầu tư.

Nhấn mạnh văn hóa vừa là nền tảng để phát triển toàn diện xã hội, cũng là động lực cho sự tiến bộ của xã hội, đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, cần xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa phù hợp với tất cả các giai đoạn, chứ không riêng giai đoạn 10 năm. Đại biểu cũng cho rằng, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể chưa khớp nhau; mục tiêu tổng quát chưa đánh giá sâu đối với sản phẩm cuối cùng để văn hóa định hướng cho các dân tộc Việt Nam. Chính phủ, Nhà nước cần phải có những chính sách để phát triển doanh nghiệp trong nước lớn mạnh hơn, tăng cường sức mạnh nội sinh của nền kinh tế. Để làm được điều này, chúng ta phải tăng cường sức mạnh của con người và xã hội Việt Nam để lan tỏa sức ảnh hưởng của chúng ta trên thế giới.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=87407