Xác minh việc người dân tự ý mở đường đi qua đỉnh hầm Nhà máy thủy điện Đa Dâng

Ngày 19/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Lạc Dương kiểm tra, xác minh việc người dân tự ý mở đường trái phép đi qua đỉnh hầm khu vực cửa nhận nước của Nhà máy thủy điện Đa Dâng (xã Lát).

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, liên tục trong các ngày 9 và 11/7, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng điện Long Hội (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đa Dâng) báo cáo tỉnh về việc người dân tự ý mở đường đi qua đỉnh hầm của nhà máy.

Cụ thể, trong ngày 8 và 9/7, công ty này phát hiện nhóm người mở đường đi trái phép qua đỉnh hầm dẫn nước của Nhà máy thủy điện Đa Dâng. Phát hiện vụ việc, đơn vị đã báo cáo UBND xã Lát xuống lập biên bản và yêu cầu nhóm người ngừng thi công. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng tới thì nhóm người này rời đi. Sau khi không thấy bóng dáng lực lượng chức năng, họ quay lại tiếp tục mở đường. Sự việc diễn ra nhiều lần trong ngày 8 và 9/7. Đến sáng 11/7, một nhóm người quay trở lại mở đường trên đỉnh hầm thủy điện và chỉ tạm dừng khi có mặt của chính quyền địa phương.

Theo phía công ty, việc mở đường trái phép khiến đất đá rơi xuống đường, sau lưng nhà vận hành phục vụ khu vực cửa lấy nước, gây mất an toàn cho nhân viên. Đặc biệt, sau nhiều ngày xảy ra vụ việc, hiện vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Do đó, phía chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đa Dâng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Liên quan đến việc tranh chấp đường đi giữa Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng điện Long Hội, ngày 10/4, phóng viên TTXVN đã có thông tin phản ánh về vụ việc này. Cụ thể, từ đầu tháng 4/2024, phía công ty rào chắn hoàn toàn lối đi ngang qua đập ngăn nước (đường đi của người dân trước khi nhà máy thủy điện được xây dựng) khiến một số học sinh phải chui qua hàng rào đến trường.

Theo chủ đầu tư, việc này nhằm đảm bảo quy định quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Từ tháng 3/2024, con đường tránh (người dân gọi là đường dốc Min) thay cho đường đi qua thân đập thủy điện nối từ khu sản xuất của bà con ra đường chính ĐT726 với chiều dài khoảng 1,5 km, mặt đường rộng 5,5m, tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng đã hoàn thành. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, con đường dốc Min hiện nay chỉ rải đá cấp phối, có độ dốc lớn nên di chuyển rất khó khăn, mất an toàn, đặc biệt đối với phụ nữ và xe chuyên chở nông sản. Do đó, người dân có nguyện vọng được di chuyển qua con đường trên thân đập thủy điện như trước đây hoặc để người dân hiến đất, mở đường mới đi qua đỉnh hầm thủy điện cho thuận lợi.

Thống kê của UBND xã Lát, trong khu vực Tiểu khu 227B hiện nay có 3 hộ đang có nhà ở với 10 nhân khẩu, trong đó có 6 người lớn và 3 trẻ nhỏ. Tổng số hộ đang canh tác, sản xuất tại tiểu khu này là 27 hộ, với 44,1 ha. Trong đó, chỉ có gần 1 ha đất nông nghiệp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn lại là đất canh tác nông nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Liên quan đến vụ việc, ngày 1/7, tại buổi tiếp xúc cử tri giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng với người dân xã Lát, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc giải quyết tranh chấp con đường này cần xem xét trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cho người dân. Việc cam kết giữa chủ đầu tư nhà máy thủy điện với người dân phải thực hiện trước sau thống nhất. Trước mắt, huyện Lạc Dương và Sở Công Thương cần rà soát lại tất cả quy định để đảm bảo quyền lợi hài hòa cho người dân vùng sản xuất nếu không ảnh hưởng vấn đề an toàn đập.

Nguyễn Dũng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/xac-minh-viec-nguoi-dan-tu-y-mo-duong-di-qua-dinh-ham-nha-may-thuy-dien-da-dang-20240719111055318.htm