Xăng vẫn gặp 'vấn đề', kiến nghị điều chỉnh linh động hơn

TP.HCM đã đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ có điều chỉnh giá xăng dầu linh động hơn trong trường hợp giá thế giới biến động nhanh nhằm đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, thay vì định kỳ 3 kỳ/tháng như hiện nay.

Chiều 14-2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch trên địa bàn.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết TP.HCM đã kiến nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ điều chỉnh giá xăng linh động hơn trong trường hợp giá thế giới biến động nhanh nhằm đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, thay vì định kỳ 3 kỳ/tháng như hiện nay.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM thông tin tại họp báo. Ảnh: TÁ LÂM

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM thông tin tại họp báo. Ảnh: TÁ LÂM

Theo ông Phương, vừa qua ngày 11-2, giá xăng dầu đã được điều chỉnh theo giá xăng dầu thế giới.

Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công thương TP.HCM đã có văn bản gửi 15 đầu mối xuất nhập khẩu yêu cầu báo cáo tình hình nhập khẩu xăng dầu trong các tháng tới đây để bổ sung nguồn dự trữ theo quy định. Đến nay, mới có 4 doanh nghiệp báo cáo và Sở Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp để nắm bắt tình hình.

Qua theo dõi tình hình, ông Phương cho biết Sở Công Thương nhận thấy cũng còn một số khó khăn trong công tác hoạt động kinh doanh xăng dầu nên Sở Công Thương đã có văn bản gửi gấp cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu, yêu cầu báo cáo ngay lập tức nếu trường hợp có khó khăn, đứt gãy, gián đoạn nguồn cung.

“Nếu không báo cáo mà các đoàn thanh tra, kiểm tra phát hiện thì doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm” – ông Phương nói.

Ngoài ra, Sở Công Thương đang phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP.HCM để kiểm tra, giám sát. Thanh tra Sở Công Thương cũng đã tổ chức hai đoàn kiểm tra về công tác nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu.

Đến nay, Sở Công Thương đã kiểm tra 6 cửa hàng xăng dầu, trong đó chỉ có một cửa hàng đóng cửa vì không có xăng dầu để phân phối cho người dân. Còn lại, các cửa hàng đa số hết xăng RON 95 hoặc hết xăng, còn dầu.

“Sau khi kiểm tra, tình hình chung là các cửa hàng đều đã đăng ký đặt hàng với đầu mối nhưng hàng hóa chưa về. Sở Công Thương và cơ quan quản lý thị trường đang theo dõi chặt; tiếp tục làm việc với các đơn vị cung cấp nguồn cung để báo cáo cho Bộ Công Thương để xử lý” - ông Phương nói.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có chỉ đạo các quận huyện và TP Thủ Đức tăng kiểm tra giám sát. “Bất cứ doanh nghiệp nào thiếu hàng, tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không đúng quy định đều phải báo cáo về Sở Công Thương để kiểm tra chuyên sâu, báo cáo kịp thời” – ông Phương nói.

Nghị định 95/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã có những điều chỉnh sát hơn với cơ chế thị trường. Theo đó, kỳ xem xét điều chỉnh giá được rút ngắn từ 15 ngày còn khoảng 10 ngày, đồng thời ấn định rõ thời điểm điều chỉnh giá vào các ngày 1, 11, 21 hàng tháng.

TÁ LÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/xang-van-gap-van-de-kien-nghi-dieu-chinh-linh-dong-hon-1043318.html