'Xanh hóa' bất động sản công nghiệp
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhà đầu tư ngoại, ngoài mở rộng quy mô, bất động sản công nghiệp cần quan tâm đến yếu tố xanh.
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023, đồng thời cũng là mức cao nhất trong 5 năm qua.
FDI dẫn lối bất động sản khu công nghiệp
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo đạt 2,17 tỷ USD, chiếm 77,5% tổng vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 279,3 triệu USD, chiếm 10%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 128,4 triệu USD, chiếm 4,6%.
Do đó, bất động sản công nghiệp được cho sẽ trở nên sôi động hơn với dòng vốn dẫn đầu từ FDI, đặc biệt là khi xu hướng này được dự báo tiếp tục gia tăng. Như ông Trương An Dương - Giám đốc khối bất động sản nhà ở, Frasers Property Vietnam chia sẻ: “Bất động sản khu công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục là “điểm sáng” nhờ vào chiến lược China +1”.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước đã có 418 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập, với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,3 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,5%. Các chuyên gia dự báo rằng, con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong xu thế này.
Hiện nay, Việt Nam đang được đánh giá cao về những chính sách thông thoáng và môi trường đầu tư thuận lợi đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, Chính phủ đã thành công trong việc kiểm soát các yếu tố vĩ mô như ngoại hối và lãi suất, giữ cho tỷ giá ổn định và giảm lạm phát một cách hiệu quả. Từ đó giúp nhà đầu tư ngoại yên tâm hơn khi đầu tư tại Việt Nam.
Với mức lãi suất ổn định, việc vay vốn để hỗ trợ các dự án đầu tư trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, lãi suất thấp cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ kích thích hoạt động mua sắm, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngoại.
Bên cạnh đó, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao của Chính phủ với các nền kinh tế tập trung nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… giúp các nhà đầu tư dự án KCN trong nước kỳ vọng thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.
Xu hướng khu công nghiệp xanh
Với mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang tích cực triển khai các hoạt động theo đuổi kinh tế xanh, trong đó lĩnh vực KCN cũng là một yếu tố quan trọng.
Trao đổi với DĐDN, ông Quang Trần – Giám đốc điều hành Vietlog Industrial Vietnam cho biết, KCN xanh được xem là một tiêu chuẩn mới trong việc phát triển các KCN ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những KCN này ngoài việc chú trọng vào phát triển kinh tế, còn quan tâm đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
“Như tại các quốc gia khác, việc tích hợp công nghệ xanh và các biện pháp bảo vệ môi trường vào quá trình phát triển KCN đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư. Bởi loại hình này cung cấp môi trường làm việc thân thiện, cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiện ích (từ đường giao thông, cung cấp điện, nước, đến xử lý nước thải….). Còn tại Việt Nam, việc áp dụng những xu hướng này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và môi trường bền vững. Đầu tư vào nhà xưởng cao tầng và KCN xanh không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp bền vững, phát triển hài hòa với môi trường tự nhiên".
"Hiện nay, nhà xưởng cao tầng và KCN xanh đang trở thành xu hướng mới và tất yếu trong lĩnh vực phát triển BĐS công nghiệp. Trong tương lai, việc phát triển BĐS công nghiệp sẽ ngày càng hướng đến các giải pháp thông minh và bền vững, tạo ra những giá trị lâu dài cho cả doanh nghiệp và cộng đồng”, ông Quang chia sẻ.
Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, bà Virginia Foote - thành viên Ban điều hành AmCham Hà Nội, CEO Bay Global Stratergies cho biết, người tiêu dùng Hoa Kỳ hiện là những khách hàng lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo xu hướng phát triển của toàn cầu, các nhãn hàng và người tiêu dùng Hoa Kỳ đều mong muốn thể hiện tính bền vững trong sản phẩm hàng hóa do nhãn hàng sản xuất trong chuỗi cung ứng.
Theo bà Virginia Foote, để thực hiện được cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP26 hướng tới NetZero vào năm 2050 và đáp ứng yêu cầu của các thị trường, khách hàng, Việt Nam cần chú trọng thu hút đầu tư chất lượng cao; chú trọng sản xuất xanh cung cấp sản phẩm giảm dấu chân carbon đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Nếu đáp ứng được các tiêu chí này, thị trường bất động sản công nghiệp được kỳ vọng sẽ không chỉ thay đổi về lượng, mà còn nâng cao về chất giúp gia tăng giá trị cho thuê cũng như các lợi ích khác, góp phần giúp Việt Nam trở thành một trung tâm về bất động sản công nghiệp xanh của khu vực.
Theo Vi Anh/Diendandoanhnghiep.vn
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/xanh-hoa-bat-dong-san-cong-nghiep.html