Xanh hóa các khu công nghiệp
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên xác định đến năm 2030, tỉnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Bám sát mục tiêu này, Thái Nguyên tích cực phát triển theo hướng xanh hóa các khu, cụm công nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường.

Hằng năm, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phát động phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ để kiến tạo “lá phổi xanh” trong các khu công nghiệp.
Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao
Hiện nay, toàn tỉnh có 5/11 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 72%. Hiện thực hóa mục tiêu phát triển KCN theo hướng bền vững, những năm qua, tỉnh tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao (công nghiệp điện - điện tử, viễn thông; cơ khí chế tạo; công nghiệp ô tô, xe máy, thiết bị xây dựng, thiết bị y tế...).
Các dự án công nghệ cao được áp dụng hệ thống dây chuyền sản xuất và xử lý chất thải hiện đại, khép kín nên ít gây tác động xấu đến môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.
Trong đó, nổi bật có thể kể đến một số dự án như: Nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của Tập đoàn Samsung tại KCN Yên Bình; Dự án sản xuất mô đun camera của Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam; Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty Hansol Electronics Việt Nam...
Cùng với thu hút đầu tư dự án công nghệ cao vào hoạt động tại các KCN đã hình thành như: Điềm Thụy, Yên Bình, Sông Công II.., tỉnh đang xây dựng mới Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình. Với định hướng trở thành khu số, xanh, điển hình Net Zero, Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình được quy hoạch là khu tập trung các hoạt động nghiên cứu, phát triển, đào tạo, sản xuất và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin; cung cấp hạ tầng, cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Triển khai Dự án, đến nay, tỉnh đã hoàn thành và đang tổ chức công bố rộng rãi Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình với diện tích 200ha, trên địa bàn huyện Phú Bình và TP. Phổ Yên.

Hạ tầng Khu công nghiệp Yên Bình được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với cống suất 65.000m3/ngày đêm.
Kiến tạo hạ tầng xanh
Để phát triển các KCN theo hướng bền vững, những năm qua, tỉnh còn quan tâm thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại và gắn với bảo vệ môi trường.
Trong đó, nổi bật có thể kể như KCN Yên Bình do Công ty CP Đầu tư phát triển Yên Bình làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tính đến nay, Công ty đã đầu tư trên 4.500 tỷ đồng xây dựng hạ tầng KCN. Trong đó dành hơn 1.175 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch công suất 150.000m3/ngày đêm và khu xử lý nước thải công suất 65.000m3/ngày đêm, quy mô gần 7ha.
Đến hết năm 2024, KCN Yên Bình đã thu hút trên 30 dự án với số vốn đăng ký gần 8 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ lấp đầy trên 92%).
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Yên Bình, cho biết: Từ khi đi vào hoạt động đến nay, toàn bộ hệ thống nước thải của các nhà máy trong KCN đều được đấu nối và xử lý trực tiếp tại khu xử lý nước thải tập trung. Với công nghệ xử lý nước thải từ nuôi cấy vi sinh và giá thể bằng hạt gel công nghệ của Nhật Bản, nước thải sau khi được xử lý có các thông số đạt QCVN 40:2011/BTNMT và được quan trắc, truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Nông nghiệp và Môi trường 24/24 giờ.
Nhằm kiến tạo “lá phổi xanh”, hiện nay, các KCN của tỉnh còn được thiết kế dành tối thiểu 10% diện tích trồng cây xanh; đối với các doanh nghiệp thứ cấp, Ban Quản lý các KCN yêu cầu mỗi công ty dành tối thiểu 20% diện tích đất cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông...
Cùng với công tác quy hoạch, Đảng ủy Ban Quản lý các KCN tỉnh đã ban hành riêng Nghị quyết số 211-NQ/ĐU về “Trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường trong các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2023-2025”. Cụ thể hóa Nghị quyết này, hằng năm, Ban phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn và người lao động tích cực trồng cây xanh bảo vệ môi trường. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, số lượng cây xanh được trồng trong các KCN đạt từ 3.000 cây trở lên.
Ông Hà Văn Dương, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh: Ban đề ra mục tiêu đến hết năm 2025, số lượng cây xanh trong các KCN đạt khoảng 60.000 cây; 100% doanh nghiệp thứ cấp hoạt động trong các KCN trên địa bàn tỉnh trồng cây xanh đạt tối thiểu 20% diện tích khuôn viên nhà máy.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các KCN đã được người dân và doanh nghiệp quan tâm, đầu tư. Tuy vậy, hạ tầng kỹ thật bảo vệ môi trường ở một số KCN chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ môi trường, đơn cử như tại KCN Trung Thành, KCN Nam Phổ Yên...
Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật về môi trường khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là việc xử lý nước thải; kiểm tra, giám sát, khuyến khích các doanh nghiệp tại KCN cải tạo nâng cấp và đầu tư mới thiết bị máy móc hiện đại hạn chế sự cố phát thải ra môi trường; phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về bảo vệ môi trường...