Xanh hóa chuỗi cung ứng

Các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi cưng ứng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam...

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam

Yêu cầu tiêu dùng xanh của khách hàng đang thúc đẩy các nhà sản xuất và nhà cung cấp áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động của họ. Khách hàng, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, ngày càng có ý thức hơn về tác động môi trường trong các quyết định mua hàng. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Rakuten Insight năm 2023, cũng có đến 84% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm bền vững.

Trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình có Liên minh châu Âu đang triển khai các quy định và tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào khu vực này. Xanh hóa không còn là một lựa chọn mà là yếu tố “thắng đơn hàng” khi xuất khẩu.

Xét trên góc độ chuỗi ung ứng, người mua (hay người đứng đầu chuỗi cung ứng - supply chain leaders) đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát và hợp tác để thúc đẩy xanh hóa. Họ là những doanh nghiệp dẫn dắt chuỗi cung ứng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo sản phẩm/dịch vụ cuối cùng phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trên thế giới có thể kể đến những tên tuổi lớn như: Walmart, H&M, Uniqlo, Unilever, Apple và Nestlé. Tại Việt Nam có VinEco, Vinamilk, Dệt may Việt Thắng, Vinatex, Thaco...

Ví dụ, các nhà bán lẻ quần áo lớn như H&M, Zara và Uniqlo đã bắt đầu yêu cầu các nhà cung cấp của họ tại Việt Nam sử dụng bông hữu cơ, giảm sử dụng nước/năng lượng và thực hiện tái chế chất thải. Điều này đã khiến các nhà sản xuất dệt may Việt Nam đầu tư mạnh vào quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Hay như VinEco đã đầu tư vào các nông trại ở Quảng Ninh và Hà Nam, nâng cao năng lực của nông dân thực hành canh tác xanh để phân phối rau xanh và sạch cho khắp các tỉnh thành cả nước.

NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CHUỖI CUNG ỨNG NÊN PHÁT HUY VAI TRÒ DẪN DẮT

Người đứng đầu chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thông qua vai trò giám sát các quy trình xanh, cung cấp kiến thức/thông tin cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình tài chính xanh.

Để giám sát tác động môi trường của nhà cung cấp cần đến sự kết hợp của các tiêu chuẩn rõ ràng, dữ liệu đầy đủ và bài bản, cam kết hợp tác và báo cáo minh bạch. Các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng cần thiết lập các tiêu chuẩn môi trường và xác định kỳ vọng rõ ràng về hiệu quả hoạt động môi trường đối với các nhà cung cấp, bao gồm các lĩnh vực như khí thải, chất thải, sử dụng nước, tiêu thụ năng lượng...

Người mua cần hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp của họ để phát triển và thực hiện các kế hoạch nhằm giải quyết thiếu sót hoặc thách thức về môi trường mà họ đang gặp phải. Các bên có thể cùng tiến hành các buổi tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao kiến thức và năng lực, đồng thời hỗ trợ các nhà cung cấp xây dựng năng lực quản lý môi trường.

Tài trợ xanh cho chuỗi cung ứng cũng là một lĩnh vực cần được quan tâm. Tài trợ xanh có thể tạo động lực tài chính cho nhà cung cấp cam kết thực hiện chính sách bền vững, nhằm giảm chi phí thực hiện các sáng kiến xanh. Các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng thường là các tập đoàn lớn với nhiều nguồn lực hoặc khả năng tiếp cận chương trình đầu tư tốt hơn. Do vậy, họ có thể hỗ trợ các công ty nhỏ hơn (các nhà sản xuất địa phương) đối mặt với thách thức về chi phí thực hiện xanh.

Bên cạnh đó, danh tiếng của doanh nghiệp (gắn liền với người đứng đầu chuỗi cung ứng) có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra tín dụng ngân hàng và tiếp cận nguồn đầu tư xanh, như trái phiếu xanh hoặc các khoản vay phát triển bền vững.

Một nghiên cứu gần đây của tôi và các đồng nghiệp tại Đại học RMIT với 437 nhà sản xuất toàn cầu chỉ ra rằng, doanh nghiệp có thể cải thiện thị phần và doanh thu, từ đó nâng cao vị thế tài chính, nếu họ nêu bật cho các bên liên quan hiểu được các mục tiêu môi trường của doanh nghiệp và các phương pháp đạt được những mục tiêu đó.

Điều quan trọng là, theo thời gian, mối quan hệ cùng có lợi giữa người tiêu dùng xanh và nhà sản xuất sẽ thúc đẩy đổi mới quy trình. Điều này có thể dẫn đến cải thiện về tài chính và chi phí.

Do đó, người tiêu dùng càng gây nhiều áp lực về hành động xanh thì doanh nghiệp càng cải tiến quy trình mạnh mẽ. Doanh nghiệp phải đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác sâu sắc hơn với khách hàng để cùng giải quyết áp lực môi trường.

THÚC ĐẨY DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI XANH

Chúng tôi có một số đề xuất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tìm cách duy trì tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu trong bối cảnh các chuỗi cung ứng đang xanh hóa.

Đầu tiên, nên gần gũi hơn với khách hàng/người mua chính. Hãy tìm hiểu về các yêu cầu xanh mới và đề xuất trao đổi kiến thức và cộng tác. Doanh nghiệp cần chủ động trau dồi kiến thức và tìm hiểu mong đợi của khách hàng về nhu cầu môi trường. Qua đó, họ có thể hoàn thiện kế hoạch quản lý môi trường trong doanh nghiệp.

Tiếp theo, họ cần theo dõi các nhà cung cấp chính của họ. Việc giám sát là cần thiết để duy trì uy tín và phát triển kinh doanh liên tục.

Cuối cùng, họ vừa phải tăng cường tính tực lực, vừa nuôi dưỡng mạng lưới hợp tác. Họ nên phát triển năng lực xanh với sự cộng tác của các thành viên trong chuỗi cung ứng cũng như khách hàng. Đây có thể là một cách tiếp cận thực tế nhằm nâng cao vị thế và danh tiếng của công ty trong phát triển xanh.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xanh-hoa-chuoi-cung-ung.htm