'Xanh hóa' doanh nghiệp mang nhiều lợi ích kinh tế, xã hội
DNVN – Xu hướng 'xanh hóa' doanh nghiệp đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu, không chỉ do áp lực từ biến đổi khí hậu mà còn bởi những lợi ích kinh tế và xã hội mà nó mang lại.
Theo các chuyên gia, kinh tế xanh, sạch đang là xu hướng mà nhiều thị trường theo đuổi, trong đó có những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Các tiêu chuẩn xanh ngày càng khắt khe hơn, không chỉ đòi hỏi của cơ quan quản lý, mà còn là lựa chọn của một bộ phận đáng kể người tiêu dùng ở các thị trường này.
Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu muốn kinh doanh lâu dài với khách hàng ở đây đều sẽ phải quan tâm tìm hiểu, điều chỉnh sản xuất để tuân thủ các quy định quản lý nhà nước và đáp ứng các đòi hỏi của khách hàng.
Với phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, việc đáp ứng các tiêu chuẩn đang có đã là vất vả, thì các tiêu chuẩn xanh mới khó khăn hơn, tất nhiên sẽ là những thách thức không nhỏ, cả về vốn liếng, kinh nghiệm và công nghệ.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp xác định đây là những yêu cầu không thể tránh ở thị trường xuất khẩu, đồng thời cũng là chiến lược phát triển lâu dài, hơn nữa ai đi trước có thể sẽ có lợi thế lớn hơn để chiếm lĩnh thị phần “hàng hóa xanh”. Đây có thể là sức ép hợp lý để doanh nghiệp chuyển đổi, nắm bắt cơ hội.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, không chỉ ở thị trường xuất khẩu, sản xuất kinh doanh xanh và bền vững cũng đang dần trở thành các tiêu chuẩn pháp lý ở Việt Nam.
Với các quy định như trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, các tiêu chuẩn cao về môi trường đối với sản xuất và phát thải, các yêu cầu thống kê phát thải CO2 trong một số ngành.
Do đó, việc thực hiện tiêu chuẩn xanh với các doanh nghiệp xuất khẩu có thể là “một công đôi việc”, vừa để đáp ứng quy định trong nước, vừa để xuất khẩu bền vững ở thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), xu hướng xanh hóa doanh nghiệp đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu, không chỉ do áp lực từ biến đổi khí hậu mà còn bởi những lợi ích kinh tế và xã hội mà nó mang lại.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, việc xanh hóa hoạt động kinh doanh là một bước đi cần thiết để phát triển bền vững và tăng cường cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường gặp khó khăn về vốn đầu tư ban đầu, công nghệ và kỹ thuật hiện đại để thực hiện các giải pháp xanh, tiết kiệm năng lượng và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó nâng cao uy tín và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh đó, ngày 28/6 tới đây, tại Đà Lạt, thông qua Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) do USAID tài trợ, Cục Phát triển doanh nghiệp phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, sẽ tổ chức hội thảo “Xanh hóa doanh nghiệp và cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng”.
Hội thảo nhằm giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về xu hướng xanh hóa, bức tranh tổng quan và xu hướng của tài chính xanh ở Việt Nam. Đồng thời nắm bắt các cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh, nhất là đối với các doanh nghiệp nông nghiệp. Hiểu rõ những điều kiện cần chuẩn bị để có thể tiếp cận các nguồn tài chính xanh khác nhau.