Xanh hóa ngành dệt may: Xu hướng tất yếu

Xanh hóa ngành dệt may đang là cuộc đua của nhiều nhãn hàng may mặc trên thế giới với hàng loạt các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường được đưa vào áp dụng cho các nhà cung cấp.

Dây chuyền may quần áo bơi trẻ em xuất khẩu tại xưởng may của Công ty TNHH Hà Đông ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Dây chuyền may quần áo bơi trẻ em xuất khẩu tại xưởng may của Công ty TNHH Hà Đông ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Điều này đang khiến các doanh nghiệp may mặc Việt Nam lo lắng trước nguy cơ khó giữ được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu nếu không thực hiện đầu tư chuyển đổi để xanh hóa quy trình sản xuất và sản phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Nam, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay, dệt may là một trong những ngành công nghiệp luôn phải chịu áp lực trước xã hội và người tiêu dùng về vấn đề ô nhiễm môi trường. Vì vậy, để củng cố thị phần xuất khẩu của Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới, các doanh nghiệp Việt phải có định hướng chiến lược chuyển đổi rõ ràng, đồng bộ và hiệu quả để đón đầu các thay đổi sắp tới của thị trường, đặc biệt hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Mỹ và châu Âu.

Theo tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) tại Việt Nam, khái niệm xanh hóa ngành dệt may mang ý nghĩa là ngành hoạt động theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải, loại bỏ các chất gây lo ngại và loại trừ phát sinh vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu hồi và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguyên nhiên liệu tái tạo.

Chiến lược hướng đến chuyển đổi xanh ở ngành dệt may, bao gồm việc tiếp cận chuỗi cung ứng xanh sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, giảm chi phí sản xuất song hành với giảm chi phí khai thác tài nguyên (cho nguyên liệu, nước, năng lượng và hóa chất) và phát thải nguy hại vào môi trường; áp dụng kinh tế tuần hoàn và sản xuất sạch hơn, giảm thiểu chất thải, cộng sinh công nghiệp hướng đến một nền kinh tế dệt may tuần hoàn nhằm loại bỏ các chất gây quan ngại và phát thải vi sợi...

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID) cũng từng có báo cáo chỉ ra rằng, ngành dệt may đã chi khoảng 3 tỷ USD/năm cho việc tiêu thụ năng lượng. Dệt may chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2/năm. Đặc biệt, các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) thường gây bất lợi nhất cho môi trường vì sự thâm dụng nước cho các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất.

Nước thải xả ra với lưu lượng lớn và chứa nhiều hóa chất sau các quy trình xử lý. Nhiều loại hóa chất có thể được dùng trong sản xuất như thuốc nhuộm có chứa azo, PFOS và PFAS (các chất per- và poly-fluoro -alkyl) làm chất chống thấm nước, deca-BDEs làm chất chống cháy và clo để tẩy trắng… Đây cũng chính là những lý do thúc đẩy tiến trình xanh hóa ngành dệt may cần được tăng cường trong thời gian tới.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Xuất khẩu hàng may mặc ước giảm 3,1 tỷ USD, tương đương 8,9%. Xuất khẩu vải ước giảm 186 triệu USD, tương đương 6,9%. Xuất khẩu sơ sợi ước giảm 485 triệu USD tương đương 10,3%. Xuất khẩu nguyên phụ liệu ước giảm 218 triệu USD, tương đương 16%.

Mục tiêu đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may chính là khẳng định vị thế bằng chiến lược phát triển bền vững, đạt chuẩn mực trong các điều khoản hợp đồng thương mại, tổ chức đánh giá. Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng tích cực thực hiện xanh hóa, phát triển bền vững, đầu tư hạ tầng cơ sở trong giảm phát thải nhà kính, thúc đẩy giải pháp phát triển sản phẩm có tính bền vững, chuyển đổi nồi hơi nước bằng điện thay cho đốt than, củi… Cùng với đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đầu tư mạnh phát triển công nghệ số, tạo minh bạch trong sản xuất kinh doanh.

“Cùng với việc sử dụng sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường như sợi gai, sợi tre…, ngành dệt may Việt Nam cũng sắp xếp mô hình cộng đồng doanh nghiệp, chuyển dịch nhanh nhà máy từ thành phố về vùng sâu, vùng xa. Trong những năm qua, dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn đầu tư nhiều nhà máy mới nên giữ được tỷ trọng trong xuất khẩu. Trong quý 4/2023, ngành dệt may Việt Nam đã nhận được tín hiệu đơn hàng tốt hơn và đây là xu thế tốt cho mục tiêu 2024 đang đến gần", ông Vũ Đức Giang cho hay.

Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may… Mặc dù chi phí đầu tư cao, nhưng chuyển đổi xanh là tất yếu và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó nếu muốn tiếp tục giữ vững vị thế của mình trên thị trường xuất khẩu.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xanh-hoa-nganh-det-may-xu-huong-tat-yeu/316147.html