'Xanh hóa' ngôi nhà từ bên trong bằng vật liệu thân thiện môi trường và sức khỏe

Công trình xanh ngày càng phổ biến kéo theo yêu cầu khắt khe hơn về vật liệu xây dựng và nội thất. Theo các chuyên gia, việc sử dụng vật liệu phát thải thấp là xu hướng tất yếu, dù chi phí ban đầu cao, nhưng đầu tư đúng ngay từ đầu sẽ tiết kiệm chi phí vận hành và bảo vệ sức khỏe người dùng….

Lựa chọn vật liệu "xanh" sẽ giúp cải thiện môi trường không khí, sức khỏe cho người tiêu dùng - Ảnh minh họa.

Lựa chọn vật liệu "xanh" sẽ giúp cải thiện môi trường không khí, sức khỏe cho người tiêu dùng - Ảnh minh họa.

Trong xu hướng xây dựng công trình xanh, yếu tố sức khỏe con người đang ngày càng được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là thông qua việc lựa chọn vật liệu xây dựng phát thải thấp. Dù không phải nhóm phát thải lớn nhất, nhưng các vật liệu chứa VOC (Volatile Organic Compounds - hợp chất hữu cơ bay hơi) lại ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí trong các tòa nhà – nơi con người dành phần lớn thời gian sinh hoạt và làm việc.

CÔNG TRÌNH XANH CẦN ĐẢM BẢO SỨC KHỎE DÂN

Theo ThS.KTS. Vũ Linh Quang, Thành viên Ban Giám đốc Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), trong một công trình được xem là “xanh”, có nhiều yếu tố được xem xét và đánh giá như hiệu quả năng lượng, sử dụng nước, vật liệu xây dựng, tính vận hành bền vững và cả sức khỏe con người.

Trong nhóm vật liệu xây dựng, dù vật liệu chứa VOC như sơn, tấm trần thạch cao,… không phải là nhóm phát thải lớn nhất (so với xi măng, thép…), nhưng chúng lại có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí trong nhà (Indoor Air Quality– IAQ) và sức khỏe con người.

Tùy vào hệ thống chứng chỉ công trình xanh, mức độ đánh giá và yêu cầu đối với việc giảm VOC (low VOC) sẽ khác nhau, nhưng tựu trung đều hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe người sử dụng, giảm thiểu rủi ro từ các hợp chất độc hại có trong vật liệu xây dựng và nội thất.

Ths.KTS Vũ Linh Quang, Thành viên Ban Giám đốc Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC).

“Vấn đề sức khỏe người sử dụng phải được đặt ở vị trí trung tâm trong quá trình phát triển công trình xanh. Không giống như tiếng ồn hay nhiệt độ- những yếu tố dễ nhận biết, chất lượng không khí là mối nguy “thầm lặng” nhưng ảnh hưởng lâu dài. Vì vậy, đầu tư cho sức khỏe bằng cách chọn đúng vật liệu dù chi phí cao hơn nhưng chính là đầu tư cho tương lai”.

“Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay trong việc sử dụng vật liệu phát thải thấp là chi phí. Những vật liệu VOC thấp như sơn, trần thạch cao không phát thải, nội thất sử dụng keo dán hoặc phủ bề mặt thân thiện môi trường thường có giá thành cao hơn đáng kể so với vật liệu thông thường. Điều này tạo nên áp lực về ngân sách cho cả chủ đầu tư và nhà thầu”, ông Quang cho biết.

Ngoài ra, để một vật liệu được công nhận là "xanh", cần đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và trải qua nhiều bài kiểm tra từ các tổ chức đánh giá uy tín. Tại Việt Nam hiện có nhiều chứng chỉ chứng nhận công trình xanh uy tín như: LEED, EDGE, LOTUS... Tuy nhiên, ở mức độ vật liệu xanh, hiện mới có LOTUS đánh giá và cấp chứng nhận.

Có thể thấy, để xanh hóa ngành xây dựng ở Việt Nam, ở cấp độ nhỏ hơn là vật liệu chưa được chú trọng nhiều, trong khi đây lại là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sức khỏe người ở.

Bên cạnh đó, hiện nay người tiêu dùng phần lớn vẫn chưa nhận thức rõ mức độ cần thiết của các vật liệu này. Dù chất lượng không khí tại các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội hay TP.HCM đang ở mức báo động, nhưng người dân chưa được tiếp cận rõ ràng với thông tin và lựa chọn các vật liệu tốt cho sức khỏe. Các đơn vị tư vấn cũng chưa thực sự làm tốt vai trò truyền thông và hướng dẫn lựa chọn vật liệu phù hợp.

Đặc biệt, tại các công trình đặc thù như trường học, bệnh viện – nơi tập trung nhiều đối tượng nhạy cảm như trẻ em, người già, bệnh nhân lại càng cần được ưu tiên ứng dụng vật liệu thân thiện sức khỏe.

Đồng tình quan điểm này, PGS.TS. Nguyễn Thế Bảo, Bộ môn Công nghệ Nhiệt lạnh, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết các vật liệu có chứa hợp chất hữu cơ bay hơi từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát và lựa chọn kỹ lưỡng ngay từ đầu, những vật liệu này có thể trở thành nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà.

"CHÌA KHÓA" CHO PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG VẬT LIỆU XANH, "SẠCH"

Đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp, ThS.KTS. Vũ Linh Quang cho rằng để xây dựng công trình thực sự xanh, chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ các tiêu chuẩn như TCVN 13521:2022. Trong đó, có các hướng dẫn về danh mục vật liệu ảnh hưởng đến sức khỏe và các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững của ngành xây dựng.

“Nâng cao nhận thức không chỉ ở giới chuyên môn như chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn, mà còn ở chính người tiêu dùng là những người trực tiếp sống và làm việc trong các công trình cũng cần được thay đổi. Khi đó, thị trường sẽ dần chuyển động theo hướng tích cực và bền vững hơn”, ThS.KTS. Vũ Linh Quang khuyến nghị.

“Các nhà đầu tư cần thay đổi quan điểm đầu tư tránh rơi vào tư duy “một đồng sợ tốn, bốn đồng không xong” tức là tiết kiệm chi phí ban đầu nhưng lại phải trả giá đắt hơn sau này. Đầu tư đúng từ đầu không chỉ là cách để bảo vệ người sử dụng, mà còn là chiến lược kinh tế khôn ngoan trong dài hạn” - PGS.TS Nguyễn Thế Bảo.

Mặt khác, theo PGS.TS. Nguyễn Thế Bảo, thực tế cho thấy, nếu chịu đầu tư đúng và đủ ngay từ đầu, sẽ giảm đáng kể gánh nặng chi phí trong suốt quá trình sử dụng, đồng thời mang lại hiệu quả lớn về môi trường và sức khỏe.

“Mặc dù chi phí ban đầu cao, nhà đầu tư sẽ “e ngại” song cần nắm chắc quy luật 20- 80 tức khi chúng ta đầu tư ban đầu chỉ chiếm 20% trong tổng chi phí sau này. Khi chúng ta tốn chi phí ban đầu sẽ tiết kiệm được tổng chi phí cho vòng đời cả công trình sẽ mang lại hiệu quả tốt”, ông Bảo cho biết.

Việc sử dụng vật liệu phát thải thấp cũng đang dần được các nhà sản xuất, đầu tư quan tâm. Công ty TNHH Technoform, một trong những doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng, cho biết các xu hướng thị trường và các diễn biến pháp lý để dự đoán những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với sản phẩm VOC thấp.

Cũng theo đại diện Technoform, việc hợp tác với các bên liên quan trong ngành sẽ hiểu rõ hơn về nhu cầu thị trường. Cách tiếp cận chủ động này đảm bảo các giải pháp không chỉ đáp ứng các yêu cầu tuân thủ trong tương lai mà còn cung cấp cho người sử dụng tòa nhà môi trường sống và làm việc lành mạnh hơn, bền vững hơn.

Tại Jotun, một trong những “ông lớn” trong sản xuất sơn và chất phủ hàng đầu thế giới, đã tiến hành theo dõi và giảm sử dụng năng lượng và dung môi, cũng như hạn chế xả thải carbon, chất thải và phát thải VOC trên mỗi tấn sản lượng từ năm 2010.

Hãng này cũng đặt ra các mục tiêu để loại bỏ các điểm kém hiệu quả, tái sử dụng vật liệu và cải thiện hiệu suất môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tăng sử dụng năng lượng tái tạo, giảm và tái sử dụng nhựa, tái xử lý nước, chất thải và sơn...

VOC (Volatile Organic Compounds - hợp chất hữu cơ bay hơi) là một trong các tác nhân gây ô nhiễm của cả môi trường bên trong và bên ngoài công trình. VOC có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người sử dụng công trình. Thuật ngữ Low VOC được dùng để chỉ một sản phẩm có hàm lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi nhỏ hơn hoặc bằng 150 g/L.

Vân Nguyễn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xanh-hoa-ngoi-nha-tu-ben-trong-bang-vat-lieu-than-thien-moi-truong-va-suc-khoe.htm