'Xanh' hóa quy trình sản xuất: Ngành in được nhiều hơn mất
Chi phí đầu tư ban đầu của những công nghệ mới hướng tới quy trình sản xuất 'xanh' hơn có thể là trở ngại với các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, tuy nhiên, các DN nên thay đổi vì lợi ích lâu dài cho môi trường, xã hội và cho chính DN đó.
Ngày 19/9, trong khuôn khổ Triển lãm ngành in TPHCM năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM và Hội In TPHCM tổ chức Hội thảo “Giải pháp ngành in đang thực hiện để giảm tải ảnh hưởng đến môi trường”.
Tại hội thảo, ông Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội in TPHCM cho biết, các DN ngành in đã có nhiều chuyển biến trong sản xuất nhằm giảm tác động tới môi trường. Tại Việt Nam, có khoảng hơn 70% DN sử dụng phương pháp in offset, với nguồn nguyên vật liệu đầu vào đắt đỏ, DN thường phải tìm cách tận dụng hết giấy, mực, phụ liệu để sản xuất, tránh tồn dư và thải ra môi trường. Một số phương pháp in khác như in lụa, in ống đồng trước đây sử dụng nhiều dung môi nhưng hiện đang dần chuyển sang dùng mực gốc nước, mức độ gây ô nhiễm môi trường cũng giảm đi.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, các DN trong ngành vẫn cần cải thiện hơn nữa để sản xuất thân thiện với môi trường, trước hết là giảm tác động tới công nhân in trong nhà máy, tạo môi trường làm việc tốt hơn, người công nhân có sức khỏe, khả năng và năng suất lao động cao hơn.
Bên cạnh đó, công nghệ hiện đại cho phép đồng thời giảm tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất, nên khi mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, về lâu dài chính DN cũng được hưởng lợi.
Thêm nữa, TPHCM ngày càng thu hút nhiều DN nước ngoài tới đặt in các hợp đồng gia công với những yêu cầu khắt khe về việc bảo đảm điều kiện môi trường. Đồng thời, nếu không quản lý hóa chất tốt, để tồn dư trong sản phẩm, DN sẽ không thể đạt các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó tham vọng tiến ra thế giới của ngành in Việt Nam cũng khó thành công.
Đồng tình với quan điểm này, bà Đỗ Huỳnh Phương Lan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần in Minh Phương cho biết, hiện nay nhiều khách hàng trong nước và nước ngoài đều đặt những yêu cầu cao cho các nhà in thông qua các chứng chỉ quốc tế, quy trình bảo đảm “xanh”, không cồn, không có plastic tồn dư, trong khi đa số các DN in nội địa, mà chủ yếu là DN vừa mà nhỏ mới chỉ quan tâm tới chất lượng màu sắc in mà chưa chú trọng bổ sung các chứng chỉ và hoàn thiện quy trình sản xuất của mình theo hướng "xanh" hóa.
Nhận diện được xu hướng đó, Công ty Minh Phương đã áp dụng công nghệ tách plastic trước khi in, sản phẩm sau khi in có thể chậm khô hơn với những kỹ thuật khác nhưng không cần tốn nhiều năng lượng để sấy khô, cũng chỉ cần sử dụng các loại mực thông thường và không phải lo tới vấn đề tồn dư plastic trong sản phẩm.
Theo bà Lan, với những công nghệ mới hướng tới quy trình “xanh” hơn, chi phí đầu tư ban đầu có thể là trở ngại với các DN vừa và nhỏ, tuy nhiên, các DN nên thay đổi vì lợi ích lâu dài cho chính DN đó thông qua việc giảm chi phí sản xuất, khả năng giành được nhiều đơn hàng hơn và các tác động tích cực tới môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, bà Lan cũng kỳ vọng các cơ quan Nhà nước có những hỗ trợ cho các DN chủ động đổi mới về lãi suất vay vốn, hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới…
Còn theo đại diện Công ty Toàn Ấn, một trong những khâu gây ô nhiễm nhất của ngành in là nước thải, vì vậy, để giảm tác động xấu tới môi trường, Công ty Toàn Ấn đang sử dụng bản in Sonora X-giải pháp kẽm không qua tráng hiện, không dùng hóa chất.
Phương pháp này giúp tối giảm quy trình sản xuất kẽm in, giảm chi phí vận hành do bỏ hẳn khâu trung gian, đồng thời chấm dứt sử dụng hóa chất chế bản. Đặc biệt, công nghệ này ghi được trên nhiều loại máy in khác nhau với chất lượng hình ảnh không thay đổi so với công nghệ cũ.
Ông Cao Xuân Vũ, Khoa In và Truyền thông, Trường Đại học SPKT TPHCM cho rằng, để thay thế công nghệ cũ, các DN có thể sử dụng công nghệ in UVLED giúp tiết kiệm thời gian, tờ in khô tức thời, có được sản phẩm sau khi in, lại thân thiện với môi trường qua việc tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải CO2, chất lượng in ổn định, không có sự biến đổi màu sắc suốt quá trình khô và phù hợp với nhiều vật liệu in…
Theo ông Vũ, đây là công nghệ không mới, tuy nhiên, tại Việt Nam nhiều DN còn e ngại do giá thành mực in tương đối lớn hơn so với mực in thông thường.
“Thực tế, nếu làm một bài toán kinh tế vòng 2 năm, phần năng lượng tiết kiệm được đã vượt qua vốn đầu tư ban đầu, cho thấy được lợi ích kinh tế của công nghệ này. Đó là chưa tính tới tác động tích cực tới môi trường”, ông Vũ nhận định
Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA, các hệ thống xử lý nước thải hiện tại yêu cầu DN phải có diện tích khá lớn để xử lý thải; quá trình đầu tư, vận hành tiêu tốn khoản tiền lớn của DN để nuôi vi sinh, xử lý hóa chất, chi phí điện duy trì hệ thống, chưa kể nhân lực thực hiện phải là những kỹ sư có trình độ chuyên môn cao.
Trong khi, đa số DN ngành in có diện tích nhà xưởng khá khiêm tốn, lợi nhuận hằng tháng khó bù đắp khoản chi phí vận hành hệ thống xử lý chất thải. “Áp lực cạnh tranh, giảm chi phí cũng khiến nhiều DN cắt giảm khâu này hoặc khâu khác của quá trình xử lý thải, cuối cùng tiền DN vẫn phải chi nhưng hệ thống không có hiệu quả, chất thải vẫn gây độc hại cho môi trường”, ông Hưng cho biết.
Từ đó, đại điện Công ty AT đưa ra phương pháp xử lý nước thải tiết kiệm và hiệu quả hơn cho các nhà in Việt Nam (công nghệ xử MET) với cấu tạo đơn giản, không cồng kềnh, sử dụng 100% các nguyên liệu có sẵn trong nước, không sử dụng hóa chất, vi sinh, lõi lọc. Bên cạnh đó, chu trình xử lý nước thải này cũng không tiêu hao điện năng, lại không hạn chế khối lượng xử lý (có thể lên tới hàng trăm nghìn khối). Từ đó, việc sử dụng hệ thống công nghệ MET sẽ giúp DN tiết giảm đáng kể chi phí xử lý nước thải so với cách làm thông thường.