Xanh SM có còn cơ hội trong mảng giao đồ ăn?

Tham vọng của Xanh SM trong mảng giao đồ ăn sẽ gặp trở ngại lớn bởi ShopeeFood và Grab, hiện đang chiếm hơn 95% thị phần tại Việt Nam.

Nhân tố mới

Trong một chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc toàn cầu GSM cho biết, Xanh SM đang nghiên cứu mảng giao đồ ăn tại Việt Nam. Ông Thanh đánh giá mảng giao đồ ăn trực tuyến rất tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển.

"Chúng tôi chào đón các ứng viên tiềm năng có kinh nghiệm xây dựng, vận hành và kinh doanh mảng giao đồ ăn về cùng trao đổi để xem liệu Xanh SM có nên gia nhập thị trường hay không", lãnh đạo GSM thông tin.

Thực tế, tham vọng trong mảng giao đồ ăn đã được Xanh SM nhen nhóm từ cách đây gần nửa năm. Hãng này chọn cách không đối đầu trực diện mà xây dựng một lối đi riêng bằng cách đặt yếu tố môi trường và trải nghiệm của người dùng lên hàng đầu.

Trong bối cảnh các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM ngày càng bị ô nhiễm không khí nặng nề, việc giao đồ ăn bằng xe điện dường như trở thành một lựa chọn mang nhiều ý nghĩa hơn. Đây cũng là điểm khác biệt quan trọng mà Xanh SM muốn nhấn mạnh để thu hút một bộ phận khách hàng quan tâm đến lối sống xanh.

Bên cạnh đó, chiến lược của Xanh SM không đặt nặng vào việc giảm giá sâu hay khuyến mãi liên tục để kéo khách, mà thay vào đó là tập trung vào cải thiện trải nghiệm người dùng thông qua ứng dụng công nghệ.

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu Momentum Works, Việt Nam là thị trường giao đồ ăn tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm 2024. Ước tính, quy mô của thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam đã tăng 26% lên 1,8 tỷ USD.

Liệu còn cơ hội cho Xanh SM trong mảng giao đồ ăn? Ảnh: Xanh SM

Liệu còn cơ hội cho Xanh SM trong mảng giao đồ ăn? Ảnh: Xanh SM

Bài toán khó cho Xanh SM

Tham vọng của Xanh SM là chính đáng, nhưng đây vốn không phải mảng dịch vụ dễ có được thị phần. Hiện thị trường này đang nằm trong tay hai doanh nghiệp lớn là ShopeeFood và Grab, tương ứng 47% và 48% thị phần.

Còn lại, lượng thị phần ít ỏi thuộc về Be (4%) và Gojek (1%), ứng dụng đã rời đi từ tháng 9/2024, theo số liệu từ Momentum Works.

Đối với các ứng dụng giao đồ ăn, thị trường Việt Nam được xem như "mỏ vàng" trong cuộc chiến mở rộng thị phần. Việc chiếm lấy thị trường này cũng giúp các ứng dụng đem về doanh thu không nhỏ thông qua hệ thống phí, hoa hồng với đối tác.

Theo đó, dịch vụ gọi đồ ăn được hình thành dựa trên mối quan hệ bốn bên gồm: khách hàng - tài xế - ứng dụng - nhà hàng.

Ngoài nguồn thu từ phí sử dụng nền tảng của khách hàng và chiết khấu từ tài xế, ứng dụng còn nhận về 15 - 25% chiết khấu trên mỗi đơn hàng từ các nhà bán hàng.

Bên cạnh đó, các ứng dụng giao đồ ăn còn có thêm nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ quảng cáo dành cho nhà hàng trên nền tảng.

Tất nhiên, để gia nhập thị trường này, những tân binh như Xanh SM sẽ không gặp thách thức. Việc thuyết phục người tiêu dùng chuyển từ các dịch vụ quen thuộc sang một nền tảng mới đòi hỏi sự kiên nhẫn và những cải tiến liên tục.

Hơn nữa, việc mở rộng quy mô cũng đòi hỏi sự đầu tư đáng kể vào hạ tầng, từ hệ thống xe điện cho đến nhân lực và công nghệ. Song, nếu Xanh SM có thể vượt qua được những rào cản này, doanh nghiệp có thể sẽ không chỉ làm nóng lại thị trường mà còn thay đổi cả cách người tiêu dùng nhìn nhận về dịch vụ giao đồ ăn.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/xanh-sm-co-con-co-hoi-trong-mang-giao-do-an-d39114.html