Xáo trộn chuỗi cung ứng châu Âu giữa vòng xoáy chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc xung đột Nga – Ukraine theo các chuyên gia nói khó có thể khiến kinh tế thế giới suy thoái, nhưng sự gia tăng lệnh trừng phạt và xáo trộn địa chính trị sẽ làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Châu Âu là khu vực đầu tiên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Đã bước sang ngày thứ ba của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Tình hình trên thực địa ở Ukraine đang phức tạp và khó dự đoán. Các lệnh trừng phạt tiếp tục leo thang sau khi một loạt các nỗ lực ngoại giao thất bại.

Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hiện tại đã chuyển mạnh sang phương thức trừng phạt là cắt giảm và cô lập nền kinh tế Nga khỏi phần còn lại của thế giới.

Một người điều khiển xe nâng chuyển các tấm thép tại cảng Mykolaiv, Ukraine. Ukraine là nước sản xuất đáng kể uranium, titan, quặng sắt, thép và amoniac. (Ảnh: New York Times)

Một người điều khiển xe nâng chuyển các tấm thép tại cảng Mykolaiv, Ukraine. Ukraine là nước sản xuất đáng kể uranium, titan, quặng sắt, thép và amoniac. (Ảnh: New York Times)

Căng thẳng ởthị trường năng lượng và khí đốt

Trước sức nóng từ tâm điểm Nga - Ukraine, chi phí các loại sản phẩm và hàng hóa toàn cầu đồng loạt tăng vọt. Đầu tiên, giá năng lượng và khí đốt tự nhiên - ảnh hưởng trực tiếp từ sức nóng khủng hoảng - đã tăng cao. Giá dầu toàn cầu tăng lên trên 100 USD/thùng trong ngày 24/2, chạm mức cao nhất kể từ năm 2014.

Giá nhiên liệu tăng cao cũng sẽ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp. Đối với các hãng hàng không, nhiên liệu dành cho máy bay sẽ đắt hơn, do đó giá vé máy bay có thể sẽ cao hơn. Còn đối với ngành sản xuất tiêu tốn nhiều điện như sản xuất thép, các nhà sản xuất có thể sẽ chịu sức ép, buộc họ tăng giá sản phẩm. Lạm phát giá có thể lan rộng ra khắp nền kinh tế.

Điều này đặc biệt đúng ở châu Âu, nơi Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, cung cấp khoảng 35% nguồn cung.

Căng thẳng xung quanh mạng đường ống khí đốt Nord Stream 2 do xung đột Nga - Ukraine gây ra có thể không thay đổi đáng kể triển vọng giá khí tự nhiên trong mùa đông này ở châu Âu. Dự kiến, đường ống này sẽ không đi vào hoạt động cho đến nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, hiện có khoảng 10% tổng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên lỏng (LNG) chảy từ Ukraine sang Liên minh châu Âu. Các đường ống này có thể bị hư hại trong giao tranh hoặc Ukraine có thể quyết định cắt chúng. Trong trường hợp xấu nhất, Nga, nước đã giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, có thể quyết định hạn chế xuất khẩu hơn nữa để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.

LNG từ Mỹ và Qatar sẽ giúp EU chống lại sự gián đoạn dòng khí đốt qua Ukraine. Nhưng nếu nguồn cung bị cắt hoàn toàn, các tác động sẽ trở nên nghiêm trọng đối với các công ty châu Âu.

Rủi ro chuỗi cung ứng

Interos, một công ty cung cấp các giải pháp quản lý rủi ro chuỗi cung ứng, đã thực hiện một phân tích về các tác động có thể xảy ra đối với chuỗi cung ứng nguyên liệu và hàng hóa toàn cầu.

“Mặc dù tác động của gián đoạn thương mại giữa Mỹ, châu Âu, Nga và Ukraine là rất nhỏ so với sự gián đoạn thương mại với Trung Quốc xảy trong thời kỳ đại dịch, các tác động chuỗi cung ứng không phải là không có”, công ty này nhận xét.

Theo dữ liệu của Interos, hơn 2.100 công ty có trụ sở tại Mỹ và 1.200 công ty châu Âu có ít nhất một nhà cung cấp trực tiếp (cấp 1) tại Nga. Hơn 450 công ty ở Mỹ và 200 công ty ở châu Âu có nhà cung cấp cấp 1 ở Ukraine. Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin chiếm 13% trong các mối quan hệ nhà cung cấp giữa các công ty Mỹ và Nga/Ukraine.

Hơn 190.000 công ty ở Mỹ và 109.000 công ty ở châu Âu có nhà cung cấp của Nga hoặc Ukraine ở cấp 3. Hơn 15.100 công ty ở Mỹ và 8.200 công ty ở châu Âu có nhà cung cấp cấp 2 có trụ sở tại Ukraine.

Cảng biển ở Odessa, Ukraine. Khủng hoảng Nga - Ukraine có thể góp phần làm tăng giá thực phẩm và năng lượng và gây gián đoạn chuỗi cung ứng. (Ảnh: The New York Times)

Cảng biển ở Odessa, Ukraine. Khủng hoảng Nga - Ukraine có thể góp phần làm tăng giá thực phẩm và năng lượng và gây gián đoạn chuỗi cung ứng. (Ảnh: The New York Times)

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine hiện nay, sự gắn kết trong các hoạt động của 3 thị trường này càng khiến chuỗi cung ứng thế giới đang trong vòng “co kéo”, phía công ty nhận xét.

Bình luận về tác động của căng thẳng Nga – Ukraine đối với ngành vận tải hàng hải, Lars Jensen, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn vận tải biển Vespucci Maritime, cho biết những diễn biến khó lường hiện nay có thể gây ra sự gián đoạn lớn đối với chuỗi cung ứng và vận tải toàn cầu.

“Theo như chúng tôi được biết, tất cả các tuyến vận tải container lớn trên thế giới đã hoàn toàn ngừng hoạt động vào Ukraine”, ông nói với CNBC.

Cùng với đó, ông cũng cho biết: “Điều này sẽ dẫn đến tác động trực tiếp đối với các cảng ở Tây Địa Trung Hải và Biển Đen. Bạn biết đấy, đã có một lượng lớn hàng hóa trên các con tàu được cho là sẽ đến Ukraine. Giờ chúng sẽ được dỡ xuống các cảng khác trong khu vực châu Âu”.

Ông chỉ ra rằng nhiều cảng đã bị tắc nghẽn và tình hình này chắc chắn sẽ “tạo ra hiệu ứng gợn sóng trong những ngày tới”. Tuy nhiên, ông cũng không biết là ngành vận chuyển toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bao nhiêu bởi các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ và phương Tây áp đặt đối với Nga. “Điều đó vẫn chưa rõ ràng”, ông nói, “Vì hầu hết các hãng tàu container đang vẫn duy trì các tuyến của họ đến Nga”.

Ông Jensen phân tích: “Vẫn còn nhiều nghi vấn về việc liệu trong vài ngày tới, các dịch vụ tới Nga có ngừng hoạt động hay không. Nếu chúng phải ngừng lại thì chắc chắn chúng ta phải chứng kiến chuỗi cung ứng toàn cầu có thêm những mảng đứt quãng lớn.

Bùi Hằng (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/xao-tron-chuoi-cung-ung-chau-au-giua-vong-xoay-chien-su-nga-ukraine-64628.html