Xấu xí trên đường phải được thay bằng tiếng chào, lời xin lỗi
'Lời chào cao hơn mâm cỗ'. Những hình ảnh xấu xí về giao thông, bạo lực đường phố phải được thay thế bằng tiếng chào, sự nhường nhịn, lời xin lỗi, cảm ơn.
Năm 2003 tôi đến Singapore với 2 bạn người nước ngoài sinh sống và làm việc ở TP.HCM, đi bộ trên vỉa hè thì gặp một con đường nhỏ cắt ngang không có đèn giao thông. Chúng tôi định băng qua phía bên kia thì một người dân địa phưong chạy ô tô khá nhanh, có lẽ do mất trớn nên chạy lướt qua rồi cúi đầu xin lỗi về phía sau, các xe chạy kế tiếp thì phanh dừng hẳn lại nhường đường.
Nhóm chúng tôi đi qua xong, một người cúi đầu cảm ơn về phía tài xế, nói: "Thật tuyệt, giống ở Nhật Bản", người kia nói: "Sài Gòn mà được vậy thì hay nhỉ", tôi nói một câu ba phải "wait and see", rồi cả 3 cùng cười!
Khoảng 5 năm trước, tôi tham dự một hội thảo ở TP.HCM. Một vị nữ diễn giả 36 tuổi cũng là giảng viên đại học đã xin lỗi vì đến trễ 3 phút, rồi nói: "Tôi cảm thấy kiệt sức chạy xe từ nhà đến đây"... Ở 2 thành phố cách nhau hơn 1 giờ bay, bức tranh giao thông có những nét riêng vậy đó.
TP Thủ Đức cần công khai triết lý phát triển
Việc thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận khu Đông của TP.HCM gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức là một trong những sự kiện kinh tế, chính trị quan trọng của cả nước.
Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta tồn tại mô hình "thành phố trong lòng thành phố", với hy vọng cởi trói cơ chế tạo cú hích để phát triển kinh tế... Theo quan sát của cá nhân, dư luận có nhiều chiều nhưng đa phần tán thành chủ trương của nhà nước.
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM có diện tích gấp 3 lần của Singapore, dân số trên 2,5 lần, các chỉ số về dư địa phát triển cũng hơn hẳn... nhưng GDP của TP chưa bằng số lẻ của Singapore (57 tỷ USD so với 363 tỷ USD).
Điều đó cho thấy mô hình quản trị chính quyền của TP.HCM hiện nay cũ và nặng, cần phải thay đổi mô thức theo hướng kích cầu bền vững, dỡ bỏ các rào cản phi kinh tế làm giảm tính năng động, kìm hãm sự phát triển... Mong muốn chính đáng của TP.HCM đã nhận được sự đồng thuận của Quốc hội, của chính quyền trung ương, đây là cơ duyên ra đời của TP Thủ Đức.
Có thể nói 1-2 năm tới là thời gian có tính bước ngoặt, lãnh đạo TP Thủ Đức cần hoàn chỉnh một đề án quy hoạch tổng thể có tính khoa học, có tầm nhìn và chiều sâu làm nền tảng để ngăn chặn từ xa những sai sót vĩ mô trong quản lý và điều hành.
Để làm được điều đó, thiển nghĩ TP cần công khai các chủ đề, mục tiêu, triết lý phát triển để nhân dân được biết, được bàn, đóng góp ý kiến. Lãnh đạo phải có sự thành tâm để huy động ý kiến nhân dân, trong đó có chất xám của hàng ngàn chuyên gia trên nhiều lĩnh vực đang an phận thủ thường đâu đó trong xã hội, lôi họ ra khỏi vỏ sò cá nhân, hòa trong vận hội phát triển mới của TP...
Một trong những vấn đề phải đặt ưu tiên hàng đầu của TP Thủ Đức là giải quyết bài toán về giao thông. Trong bức tranh tổng thể có những điểm cộng ở các lĩnh vực thì bộ mặt giao thông của TP.HCM hiện nay là một điểm trừ: hệ giao thông công cộng kém phát triển, đường xá còn thiếu, lộn xộn và không đồng bộ, quy hoạch nhà cao tầng thiếu khoa học, không bền vững ở vài tuyến đường trọng điểm, lòng lề đường nhiều nơi bị chiếm đóng vì những mục đích phi giao thông.
Ngoài đường thì xe mạnh ai nấy chạy, tiếng còi như xua đuổi, những cái nhìn đầy thách thức, hận thù và bạo lực dễ bộc phát, ý thức tự giác của người dân kém, tệ làm luật của một bộ phận CSGT đó đây vẫn còn... Ai có kinh nghiệm tham gia giao thông ở TP.HCM cũng có thể đồng cảm với câu nói: ”Cảm thấy kiệt sức chạy xe từ nhà đến đây” của vị nữ diễn giả trên.
Phải để dành quỹ đất sạch cho mục đích giao thông, môi trường, hạn chế tối đa giao đất công vào tay tư nhân. Mặt khác, cần đặt những mốc thời gian cụ thể cho những hạng mục xây dựng và phát triển, nếu không đạt phải quy trách nhiệm.
Đa phần các công trình xây dựng giao thông, cơ sở hạ tầng ở nước ta có thông lệ xấu về độ trễ hạn, đồng nghĩa với việc đội vốn gây bao nhiêu phiền hà cho nhân dân, gây thất thoát ngân sách, lãng phí sức người sức của và cơ hội... cho thấy trình độ quản lý, lập dự án, thi công, giám sát đều có vấn đề. Khi giải trình thì nêu lý do ất ơ, thậm chí ông trời cũng bị lôi ra chịu trận, chỉ một số ít bị quy trách nhiệm, kỷ luật còn phần lớn thì huề làng.
Xây dựng hạ tầng con người
Sau chiến tranh thế giới 2, kinh tế nuớc Nhật trở về cái máng lợn, tôi không có thống kê họ đã xây dựng những dự án hạng mục gì, nhưng 19 năm sau, 1964, việc Nhật Bản được chọn làm nước chủ nhà Olympic đã nói lên tất cả.
Phải chăng đồng thời việc phát triển kinh tế, họ cũng chú trọng việc xây dựng hạ tầng con người, cho nên xã hội văn minh, công trình làm tới đâu xong tới đó mà không phải trả giá, hệ lụy!? Trong khi, tôi mất một khoảng thời gian xấp xỉ (2003-2021) cho một lời hứa về văn hóa ứng xử giao thông "chờ đi rồi thấy". "Chờ" thì đằng đẵng những 18 năm, còn "thấy" thì sao, văn hóa giao thông ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung chưa được cải thiện, ở một số vùng thậm chí có chuyển biến xấu, cho dù đường xá, vật chất tốt hơn.
Giao thông là ấn tượng ban đầu, là gương mặt pháp luật của xã hội. Đa phần các nước có cơ sở hạ tầng phát triển, tổ chức mạng lưới giao thông khoa học... là những nước văn minh, dân trí cao, chất lượng cuộc sống tốt. TP Thủ Đức - nơi đáng sống nhất Việt Nam, TP thông minh, trung tâm kinh tế 4.0, đóng góp 30% GRDP của TP. HCM, 7% GDP cả nước... thì phải được vận hành sao cho không để những tồn tại trên tiếp diễn.
Kỳ vọng là cú hích về phát triển kinh tế thì đồng thời phải tạo ra cú hích về uy tín giá trị con người, văn minh công cộng phải được thiết lập mà biểu hiện trước hết là văn hóa giao thông, nếu không phát triển kinh tế đến đâu cũng mất một nửa giá trị.
Tục ngữ có câu "Lời chào cao hơn mâm cỗ", những hình ảnh xấu xí về giao thông, bạo lực đường phố phải được thay thế bằng tiếng chào, sự nhường nhịn, lời xin lỗi, cảm ơn... "Xin chào nhau giữa con đường / Mùa xuân phía trước miên trường phía sau"! (Chào Nguyên Xuân, thơ của Bùi Giáng).