Xây bản sắc văn hóa đô thị TP HCM: 'Bán bà con xa mua láng giềng gần'
Khi đời sống đô thị ngày càng hiện đại, dẫn đến thực trạng đèn nhà ai nấy sáng, lối sống vị kỷ khiến mối quan hệ cộng đồng ngày càng nhợt nhạt, lỏng lẻo; việc xây mối quan hệ gắn kết cộng đồng dân cư đô thị càng có ý nghĩa cấp bách và thiết thực
Văn hóa gắn kết cộng đồng với người xa lạ, không thân tộc, huyết thống càng được khuyến khích và chú trọng phát triển đối với người Việt lưu dân, nhất là từ năm 1558, khi lưu dân người Việt theo chúa Nguyễn đi vào Đàng Trong mở cõi - để từ đó, mở ra vùng đất trù phú phương Nam, văn hóa này lại càng có ý nghĩa.
Ý thức đùm bọc nhau để sinh tồn
Một trong những yếu tố quan trọng mà lịch sử đã chứng minh là lưu dân đi về phương Nam có nhiều thành phần khác nhau, họ cùng có đặc điểm chung là che giấu tông tích, vì thế vấn đề lập gia phả cho con cháu đời sau biết gốc gác gia tộc từ văn minh sông Hồng, từ Ngũ Quảng hầu như không phải là mối quan tâm hàng đầu. Sự gắn kết mưu sinh, tồn tại và phải tồn tại cho bằng được trên vùng đất mới: "Muỗi kêu như sáo thổi/ Đỉa lội như bánh canh/ Cỏ mọc thành tinh/ Rắn đồng biết gáy" - trước hết là từ mối quan hệ trong cộng đồng, từ những con người gần gũi, cùng thân phận "Thương người xa xứ lạc loài đến đây". Họ ý thức từng cá thể phải đoàn kết, bảo vệ nhau, đùm bọc nhau, nương nhau, có như thế mới có thể cùng sống. "Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay" (Nguyễn Bính), nơi đất mới phương xa không thể nhờ cậy được vào "giọt máu đào", vì thế phải cần đến láng giềng cùng cảnh ngộ.
Trải dài theo năm tháng, cư dân vùng đất phương Nam, trong đó có Sài Gòn - TP HCM đã hình thành nên tính cách này. Nhà văn Sơn Nam khái quát: "Ta còn nghe mấy tiếng "điệu nghệ giang hồ", thái độ hào hiệp, không thành văn bản mà người trong cuộc phải tuân theo" (Người Sài Gòn, NXB Trẻ - 1990, tr.37). Sở dĩ có nếp nghĩ này bởi đây là vùng đất: "Nhiều ràng buộc phong kiến đã bị xóa, ngoài ý muốn, vì sanh kế phức tạp ở xứ lạ, không như việc cày ruộng ngày nào ở nông thôn. Tình nghĩa bạn bè gắn bó hữu cơ với sinh kế, tạo sự cân bằng về tinh thần, khiến người xa phương bớt nhớ nhà. "Ở đâu ta có nhiều bạn bè là quê hương ta ở đó". Tin vào bạn, làm cho bạn tin cậy mình" (Sđd, tr.34).
Tính cách của con người Sài Gòn - TP HCM là vậy. Hàng trăm năm qua, lưu dân đã kề vai sát cánh, chia sẻ buồn vui, gian nan, hoạn nạn: "Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi/ Kẻo khúc sông này bờ bụi tối tăm"… Có nghĩa có tình là thế, để rồi ngày sau, thế hệ chúng ta mới có thể hào hứng cất lên tiếng kêu như reo như hát: "Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai/ Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay/ Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này/ Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi! (Y Vân).
Đất lành chim đậu. Yếu tố cốt lõi nào làm nên đặc tính của một vùng đất? Xin thưa, vẫn là tính cách, cốt cách của cư dân nơi đó. Đất và người có tác động lẫn nhau để làm nên bản sắc tinh thần của từng vùng miền mà vẫn nằm trong giá trị văn hóa của người Việt từ Nam chí Bắc. Dù là dân lưu tán tứ xứ đến đây nhưng so với các chủng tộc khác: "Duy người Việt ta vẫn theo phong tục cũ của Giao Chỉ" - theo "Gia Định thành thông chí".
Đã thành cốt cách người bản địa
"Bán bà con xa mua láng giềng gần" là tính cách, cốt cách của con người Sài Gòn - TP HCM. Nó hình thành từ thực tế của các thế kỷ trước, ngay từ trong thăng trầm cuộc sống hằng ngày chứ không phải lý thuyết suông. Có như thế thì mới chung vai sát cánh để cùng tồn tại đến ngày nay. Nhà văn Sơn Nam lý giải: "Xa họ hàng, ở nơi mà công ăn việc làm đa dạng, thì Trời Phật chiếu cố cũng không bằng bạn bè giúp đỡ trước mắt. Thái độ hiếu khách xuất phát từ tâm lý ấy" (Sđd, tr.40). Không phải bây giờ, ngay từ "ngày xửa ngày xưa" đã thế. Hãy nghe nhà sử học Trịnh Hoài Đức nói về sự hiếu khách, đối đãi cùng bà con láng giềng, kể cả người nơi xa đến: "Ở Gia Định, khách đến thì mời ăn trầu trước, thết đãi nước chè rồi đến ăn cơm bánh, cốt phải phong hậu. Không kể người thân hay sơ, lạ hay quen, tông tích thế nào, đã đến tất phải tiếp nhận thết đãi".
Nếu đất tạo nên tính cách con người, nói theo Trịnh Hoài Đức là do Sài Gòn - TP HCM: "Ở về phương Nam, chỗ gần ánh sáng mặt trời, người phần nhiều trung dũng khí tiết, khinh của trọng nghĩa, dù đàn bà con gái cũng thế". Nay, ta có thể nói một cách nôm na, sở dĩ như thế, vì trước đây khi mới chân ướt chân ráo vào cư ngụ vùng đất này, họ cũng sống trong tâm thế "Bán bà con xa mua láng giềng gần", đã từng được bầu bạn, người xa lạ giúp đỡ, nay có điều kiện thì họ sẵn lòng cưu mang người đến sau. Đơn giản vậy thôi, chứ huống hồ gì bà con chòm xóm đã từng chung lưng đấu cật, tối lửa tắt đèn có nhau. Sự giúp đỡ qua lại này làm nên một nét đẹp ấn tượng, nghĩ cho cùng, đây cũng là giá trị của tinh thần "người trong một nước phải thương nhau cùng".
Khi chúng ta bàn về giá trị tinh thần cốt lõi của Sài Gòn - TP HCM trong bối cảnh hội nhập toàn cầu - tức là đặt nó trong xu thế của mối quan hệ gắn kết cộng đồng dân cư đô thị thì vấn đề này càng có ý nghĩa cấp bách và thiết thực. Bởi vì rằng đời sống đô thị ngày càng hiện đại đã dẫn đến thực trạng "đèn nhà ai nấy sáng", ai chết mặc ai, lối sống vị kỷ, kín cổng cao tường khiến mối quan hệ cộng đồng ngày càng nhợt nhạt, lỏng lẻo.
Vậy nên, xây dựng văn hóa "Bán bà con xa mua láng giềng gần" cũng là một trong những phương thức tạo lại sự gắn kết của từng cá thể - vốn đã là lợi thế của cư dân vùng đất này từ hàng trăm năm trước. Nếu đánh mất đi, chính mỗi chúng ta đã bỏ quên sức mạnh tinh thần lẫn vật chất mà tiền nhân đã tạo dựng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-11
Kỳ tới:Giữ đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"
Bắt đầu từ đâu?
Vẫn từ giáo dục từ trong mỗi nếp nhà hướng theo tinh thần thấu hiểu, cảm thông, tương thân tương ái, chia sẻ cho nhau cùng vun đắp cuộc sống an lành, hạnh phúc. Nói cách khác, đây cũng là thông điệp "Mình vì mọi người"; "Một nhà có việc, cả làng cùng lo"; sâu xa hơn cũng là ý thức của người Việt đã hình thành từ ngàn xưa: "Nước lụt thì lụt cả làng/ Đắp đê chống lụt, thiếp chàng cùng lo"... Có như thế mới tạo nên sức mạnh đoàn kết trong thời đại ngày nay.