Xây cuộc sống mới nơi biên cương
Phên giậu vững chắc nhất trên tuyến biên giới là lòng dân. Khi chọn biên giới là quê hương và an cư, lập nghiệp, người dân cũng trở thành những 'lá chắn' vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Cách đây 4 năm, anh Hồ Văn Khúc được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 xây tặng căn nhà trên Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Lúc đó, căn nhà là mơ ước, tài sản lớn nhất của 3 cha con anh và người mẹ già yếu. Hiện tại, căn nhà được sơn mới, nội thất cũng nhiều hơn. Vui nhất là các con anh đều được đi học và anh đã có cuộc sống mới hạnh phúc kể từ khi người vợ đầu bỏ đi vì không chịu nổi cảnh nghèo khó. Không giấu được niềm vui, anh Khúc nói: “Hồi đó không chỉ được tặng nhà mà bộ đội, dân quân còn đến phụ ngày công. Nếu không có căn nhà này cũng không biết cuộc sống của mấy cha con tôi ra sao. Giờ cuộc sống tốt hơn trước rất nhiều, tôi lo làm và bám trụ giữ đường biên, cột mốc”.
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Cư - dân quân thường trực chốt Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, trong căn nhà được xây rộng và khang trang. Anh Cư kể: "Quân khu 7 hỗ trợ 100 triệu đồng, UBND tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng; bộ đội, dân quân, hàng xóm láng giềng phụ giúp ngày công xây nhà. Vợ chồng tôi làm ăn cũng thuận lợi nên cuộc sống bây giờ khá hơn nhiều. Riêng tôi phấn đấu nhiều hơn nữa, cùng đồng đội học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới".
Theo con đường cặp dòng kênh Quốc Phòng, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Hoàng Ít, do Quân khu 7 xây tặng. Anh là cư dân đầu tiên tình nguyện đưa gia đình nhỏ của mình đến đây sinh sống, lập nghiệp. Nơi đây là vị trí tiền tiêu của vùng biên giới Đức Huệ, chỉ cách đường biên giới khoảng 700m, phóng tầm mắt đã nhìn thấy Ba Thu, Mỏ Vẹt và nhà người dân ở xã Sam Rong, huyện ChanT’ria, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. Cặp theo con đường này hiện có nhiều nhà của người dân. Riêng nhà anh Hoàng Ít ở vị trí gần biên giới nhất. Anh Hoàng Ít phấn khởi nói: "Lúc trước, khi tôi quyết định đến đây ở, bạn bè và người thân đều ngăn cản vì không có điện, không nước sạch, đường sá đi lại khó khăn, các con đến trường không thuận tiện. Nhưng tôi suy nghĩ, nơi đâu cũng có thể sống được nên động viên vợ con cùng đến biên giới lập nghiệp. Giờ cuộc sống ổn rồi, chúng tôi góp sức hỗ trợ lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc biên giới quê hương".
Ở xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, đời sống của các cư dân trong 20 căn nhà thuộc điểm dân cư liền kề chốt dân quân cũng từng ngày đi lên. Trong đó, anh Hồ Ngọc Sơn là một trong những hộ giàu tiêu biểu của xóm này. Hiện thu nhập bình quân của gia đình anh Ngọc Sơn từ 400-500 triệu đồng/năm. Anh Ngọc Sơn cho biết: Được hỗ trợ về nhà ở và tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất, cuộc sống của các hộ dân ở điểm dân cư đều khá lên. Dù là vùng biên giới nhưng được quan tâm đầu tư nên đường sá đi lại thuận tiện. Theo đà này, chừng vài năm nữa, nơi đây sẽ không khác gì trung tâm xã.
"An cư, lạc nghiệp" nơi biên cương, các hộ dân trong điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng không những có cuộc sống mới ấm no mà còn là “tai, mắt” cùng lực lượng chức năng giữ gìn bình yên biên giới./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xay-cuo-c-so-ng-moi-noi-bien-cuong-a144435.html