Xây dựng bộ tiêu chí xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn gian lận thương mại

Bộ Công Thương đang xây dựng bộ tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa lưu thông trong nước, nhằm bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp và ngăn chặn gian lận thương mại.

Ngày 11/7, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo để trao đổi về quy định cách xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước.

Tại sự kiện, theo ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc quy định thế nào là một sản phẩm được coi là có xuất xứ tại Việt Nam.

Các quy định trên áp dụng cho hàng xuất khẩu và nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan hoặc phi thuế quan theo các cam kết tại các FTA hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Lấy ví dụ về Samsung, theo bà Trịnh Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Samsung là thương hiệu của Hàn Quốc, đặt nhà máy gia công tại Việt Nam.

Xét quy định liên quan đến các bộ tiêu chí xuất xứ mà Việt Nam tham gia trong khuôn khổ các FTA, điện thoại Samsung được sản xuất tại Việt Nam từ những linh kiện được sản xuất tại Việt Nam hoặc linh kiện nhập khẩu từ các nước, sau khi trải qua quá trình gia công, chế biến đầy đủ tại Việt Nam, biến đổi bản chất những linh kiện đó thành sản phẩm điện thoại cuối cùng.

“Nơi làm ra sự thay đổi về mặt bản chất, từ linh kiện đến điện thoại, được xác định là nơi xuất xứ của hàng hóa,” bà Hiền nói.

Tuy nhiên, với hàng hóa lưu thông trong nước, theo ông Sơn, Việt Nam hiện chưa có quy định nào để xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.

Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, nghiên cứu quy định tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước. Các doanh nghiệp căn cứ vào đó để xác định chính xác sản phẩm hàng hóa của Việt Nam (gắn với thương hiệu hoặc chủ sở hữu là doanh nghiệp Việt Nam...) hoặc sản xuất tại địa điểm là Việt Nam.

Mục tiêu của bộ tiêu chí nhằm hoàn thiện khung pháp lý về xuất xứ hàng hóa đối với hàng lưu thông trong nước; bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất chân chính; trở thành căn cứ để các doanh nghiệp thương mại, sản xuất xác định hàm lượng và tình trạng xuất xứ của hàng hóa khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí cũng làm giảm tình trạng gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ, hàng nhái hoặc nhầm lẫn về hàm lượng xuất xứ đối với hàng hóa lưu thông trong nước và tăng niềm tin vào hàng Việt Nam, từ đó phát triển thương hiệu quốc gia.

Ông Sơn nhấn mạnh: Thời gian tới, việc xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước cần sự phối hợp chặt chẽ hơn từ các Bộ ban ngành, cơ quan quản lý Nhà nước; việc phối hợp chia sẻ thông tin đóng vai trò quan trọng, nhằm xử lý tình huống gian lận trong thực tế.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trịnh Thị Thu Hiền. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trịnh Thị Thu Hiền. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Tại sự kiện, bà Hiền đã đưa ra ba gợi ý từ kinh nghiệm xác định xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước của một số quốc gia trên thế giới. Cụ thể, nhóm xuất xứ thuần túy với tất cả các công đoạn đều thực hiện tại nước đó, như các sản phẩm nông sản cơ bản, cây trồng, vật nuôi.

Thứ hai, sản phẩm chế biến, như nước ép chanh dây, trong đó chanh dây có xuất xứ Việt Nam, các nguyên liệu khác có thể nhập khẩu từ nước ngoài.

Thứ ba, hàng hóa có thể sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ nội địa, nhưng sản phẩm cuối cùng được hoàn thiện tại Việt Nam.

Góp ý dưới góc độ Cục Hải quan, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tài - Phó trưởng Ban Giám sát quản lý về Hải quan cho rằng, trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước, Việt Nam có thể lấy các bộ tiêu chí quốc tế làm mẫu như bộ tiêu chí xuất xứ của ATIGA, hay của WTO.

Trong ASEAN, quan điểm là tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa khu vực và thúc đẩy thương mại nội khối nên bộ tiêu chí ATIGA tương đối linh hoạt, gần gũi với lưu thông hàng hóa trong nước của Việt Nam.

Ông Tài cũng lưu ý, việc xây dựng bộ tiêu chí cần có tính hài hòa, không lỏng quá mà cũng không được chặt quá.

Tại phiên thảo luận, trả lời câu hỏi về xuất xứ đối với hàng dệt may xuất khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan với các FTA Việt Nam là thành viên, bà Hiền cho rằng điều này sẽ tùy thuộc vào FTA và các nước xuất khẩu hướng tới.

Trình tự một sản phẩm dệt may sẽ qua ba công đoạn: se sợi – dệt vải – cắt may. Trong khuôn khổ ASEAN, doanh nghiệp có thể mua vải từ nước ngoài, sau đó cắt may quần áo tại Việt Nam, sản phẩm cuối cùng sẽ có xuất xứ tại Việt Nam.

Đối với EVFTA hay các FTA ASEAN – Nhật Bản..., công đoạn dệt vải và cắt may phải được thực hiện tại các nước thành viên của hiệp định mới được coi là có xuất xứ. Nếu Việt Nam nhập khẩu sản phẩm vải từ các nước không phải thành viên, sản phẩm cuối cùng tạo ra tại Việt Nam vẫn không được công nhận có xuất xứ Việt Nam.

Đối với CPTPP, cả ba công đoạn của dệt may đều phải thực hiện tại các nước thành viên thì sản phẩm cuối cùng sản xuất mới được coi là có xuất xứ.

“Chúng ta đang thấy cùng sản phẩm của một nhà máy, đi các thị trường khác nhau sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ khác nhau, để từ đó hưởng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định và cam kết mà Việt Nam là thành viên,” bà Hiền nhận định.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/xay-dung-bo-tieu-chi-xuat-xu-hang-hoa-ngan-chan-gian-lan-thuong-mai-43669.html