Xây dựng các thỏa thuận cùng có lợi

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, ưu tiên hàng đầu nên là khôi phục sự ổn định trong chính sách thương mại và xây dựng các thỏa thuận cùng có lợi

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 22-4 cảnh báo nền kinh tế toàn cầu nói chung và Mỹ nói riêng có thể sẽ chậm lại đáng kể do tác động từ các mức thuế của Tổng thống Donald Trump.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF dự báo kinh tế toàn cầu chỉ sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, thấp hơn so với mức 3,3% đưa ra hồi tháng 1-2025. Ngoài ra, IMF giảm dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ từ 2,7% xuống còn 1,8%. IMF không cho rằng kinh tế hàng đầu thế giới này suy thoái nhưng nâng khả năng xảy ra kịch bản này trong năm nay từ 25% lên khoảng 40%.

Dự báo của IMF phần lớn phù hợp với nhiều đánh giá khác. Chẳng hạn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho rằng kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm nay. Bi quan hơn, các chuyên gia tại Tập đoàn JPMorgan (Mỹ) cho rằng khả năng xảy ra suy thoái hiện là 60%.

Cũng theo IMF, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4%, giảm so với mức 4,6% trước đó. Các nền kinh tế lớn khác ở châu Á cũng đối mặt dự báo tương tự, như Ấn Độ (giảm từ 6,5% xuống còn 6,2%), Nhật Bản (từ 1,1% xuống còn 0,6%). Trong khi đó, khu vực đồng euro được dự báo tăng trưởng 0,8% trong năm nay, so với mức 1% hồi tháng 1.

Một cảng container tại TP Thượng Hải - Trung Quốc hôm 20-4Ảnh: AP

Một cảng container tại TP Thượng Hải - Trung Quốc hôm 20-4Ảnh: AP

Theo IMF, chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ra "cú sốc tiêu cực lớn" đối với kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng đến mọi quốc gia, vùng lãnh thổ. Ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, cho biết sự bất ổn gia tăng xoay quanh các mức thuế nhập khẩu đã khiến tổ chức này có bước đi khác thường là chuẩn bị một số kịch bản khác nhau cho tăng trưởng trong tương lai.

IMF hoàn thành các dự báo của mình hôm 4-4 sau khi chính quyền ông Donald Trump công bố các mức thuế cao đối với gần 60 nền kinh tế, bên cạnh mức thuế cơ bản 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Đến ngày 9-4, Tổng thống Mỹ thông báo tạm dừng các mức thuế cao trong 90 ngày. Tuy nhiên, ông Gourinchas cho biết sự tạm hoãn này không làm thay đổi đáng kể các dự báo của IMF vì Mỹ và Trung Quốc đã áp đặt mức thuế rất cao đối với nhau kể từ đó.

Theo IMF, căng thẳng thương mại leo thang nhanh chóng và sự bất định xoay quanh các chính sách trong tương lai sẽ tác động mạnh đến hoạt động kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, tổ chức này cho rằng việc chính sách thuế quan của Washington còn làm "gia tăng đáng kể" các rủi ro đối với sự ổn định tài chính toàn cầu.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva lưu ý rằng các rào cản thương mại gia tăng có tác động tức thời đến tăng trưởng trong lúc cảnh báo rằng sự bất định là yếu tố gây "tốn kém" trong bối cảnh căng thẳng thuế quan. "Các con tàu lênh đênh ngoài khơi không biết nên cập cảng nào; các quyết định đầu tư bị hoãn lại; thị trường tài chính biến động;… Càng kéo dài sự bất định, chi phí càng lớn" - bà Georgieva nói.

Trong khi đó, ông Gourinchas nói thêm rằng các khuyến nghị chính sách của IMF kêu gọi thận trọng và tăng cường hợp tác. "Ưu tiên hàng đầu nên là khôi phục sự ổn định trong chính sách thương mại và xây dựng các thỏa thuận cùng có lợi. Kinh tế toàn cầu cần một hệ thống thương mại rõ ràng và có thể dự đoán" - nhà kinh tế trưởng của IMF khẳng định.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga hôm 22-4 nhận định thuế quan thấp hơn có lợi cho mọi người, đồng thời nêu bật sự gia tăng đáng kể của các hiệp định thương mại song phương và khu vực. Theo ông Banga, các thỏa thuận này đã làm thay đổi căn bản cách thức vận hành của thương mại ở các quốc gia tham gia. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cũng đề cập đến "tiềm năng chưa được khai thác" của thương mại khu vực, đồng thời khẳng định rằng việc tăng cường liên kết giữa các nền kinh tế láng giềng có thể giúp đa dạng hóa tăng trưởng và ổn định thị trường.

Tổng thống Donald Trump dịu giọng

Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm hôm 23-4 sau khi xuất hiện hy vọng cuộc đối đầu giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Trung Quốc sẽ dịu bớt.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent bày tỏ kỳ vọng sẽ có sự giảm leo thang trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Dù vậy, theo AP, ông Bessent nói thêm rằng các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa chính thức diễn ra. Tổng thống Donald Trump sau đó cho biết mức thuế cuối cùng áp lên Trung Quốc sẽ giảm đáng kể so với mức 145% hiện tại.

Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng rút lại lời đe dọa sa thải Chủ tịch FED Jerome Powell để trả đũa việc cơ quan này trì hoãn cắt giảm lãi suất. Động thái này của ông Donald Trump được xem là nỗ lực nhằm xoa dịu mối lo ngại của thị trường tài chính, theo đó tính độc lập của FED đang bị đe dọa.

Trước đó, ông Powell nhận định các chính sách bảo hộ của chính quyền ông Donald Trump đã tạo ra sự bất định về tăng trưởng và mối đe dọa lạm phát cao hơn. Cũng theo ông Powell, FED sẽ kiên nhẫn chờ xem thuế quan và các chính sách kinh tế khác của chính quyền ông Donald Trump diễn biến thế nào trước khi thay đổi lãi suất. Đáp lại, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh ông muốn Chủ tịch FED chủ động hơn trong việc đưa ra ý tưởng cắt giảm lãi suất, đồng thời tiếp tục cho rằng giờ là "thời điểm hoàn hảo" để làm điều này.

Xuân Mai

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xay-dung-cac-thoa-thuan-cung-co-loi-196250423212420474.htm