Xây dựng các tuyến du lịch lịch sử cách mạng, trải nghiệm văn hóa làng nghề tại Ứng Hòa
Huyện Ứng Hòa (Hà Nội) là nơi có truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng phong phú. Để khai thác lợi thế du lịch, huyện đang tập trung xây dựng các tuyến du lịch lịch sử cách mạng, trải nghiệm văn hóa làng nghề.
Thông tin này được ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết tại Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh và du lịch cộng đồng cho dân cư do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với huyện Ứng Hòa tổ chức chiều 7/9.
Du lịch Ứng Hòa đang có 2 tuyến chính, gồm: Tuyến 1, tham quan di tích Nhà bảo tàng khu Cháy, Đồng Tân - khu di tích chùa Choòng, đền Đông, Trầm Lộng - khu lưu niệm xóm Cộng Hòa, Viên Đình, thăm và tìm hiểu nghề làm đàn thôn Đào Xá, xã Đông Lỗ - nghề may áo dài Trạch Xá, xã Hòa Lâm; tuyến 2, thăm Nhà bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn, xã Hòa Xá - cảnh quan sông Đáy và đền Đức Thánh Cả, xã Hồng Quang - đình Hoàng Xá, thị trấn Vân Đình và thưởng thức đặc sản vịt Vân Đình.
Bên cạnh đó, Ứng Hòa đang quan tâm xây dựng điểm trải nghiệm văn hóa làng nghề truyền thống như trải nghiệm quy trình sản xuất và chụp ảnh tăm hương Quảng Phú Cầu, trải nghiệm may áo dài tại làng nghề may Trạch Xá và trải nghiệm làm chè sen, các sản phẩm từ sen Phương Tú…
Ông Nguyễn Tiến Hoàng cho biết: Theo quy hoạch của thành phố Hà Nội, đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Ứng Hòa nằm trên tuyến du lịch vành đai sông Đáy, có điều kiện thuận lợi để xây dựng các công viên cây xanh và các điểm vui chơi, giải trí theo mô hình các trang trại sinh thái ven sông, hình thành khu du lịch nghỉ dưỡng làng quê Việt mang đậm chất đồng bằng Bắc Bộ, du lịch văn hóa, khai thác các tiềm năng văn hóa với hệ thống di tích lịch sử và làng nghề truyền thống.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, huyện Ứng Hòa cũng nằm trong nghiên cứu không gian quy hoạch du lịch của thành phố giai đoạn tới năm 2030, định hướng tới năm 2050, thuộc khu vực 5 huyện Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, vùng động lực phát triển du lịch quan trọng của thành phố Hà Nội, với định hướng 2 cụm du lịch trọng điểm là Hương Sơn - Quan Sơn, Hà Đông và vùng phụ cận, đồng thời nằm trên 2 tuyến vành đai du lịch quan trọng của thành phố là vành đai sông Hồng và sông Đáy.
Đây là khu vực Nam thành phố có lợi thế về cả điều kiện tự nhiên và văn hóa để tập trung phát triển. Huyện Ứng Hòa có lợi thế phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái. Huyện nằm trong phạm vi các tuyến du lịch tới khu vực 5 huyện phía Nam: Tuyến du lịch làng nghề từ trung tâm Hà Nội; tuyến du lịch sông Hồng; tuyến du lịch tâm linh kết nối liên vùng: Chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính. Trong tương lai, bổ sung thêm khu du lịch quốc gia Hương Sơn và cảng hàng không thứ hai của Thủ đô trong vùng này, sẽ tạo thêm nhiều dư địa mới thúc đẩy phát triển mạnh mẽ du lịch tại địa phương.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: Để đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn huyện Ứng Hòa, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp cùng huyện liên kết sản phẩm, dịch vụ theo vùng, theo tuyến chính: Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức; kết nối liên tỉnh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình. Đồng thời, quy hoạch và nâng cấp hạ tầng, cảnh quan ở hai làng nghề hương Quảng Phú Cầu và làng nghề áo dài Trạch Xá để du khách đến trải nghiệm, khám phá, thu hút du khách nước ngoài; khai thác tốt du lịch du lịch tâm linh với điểm nhấn là đền Đức Thánh Cả kết hợp du lịch chùa Hương (huyện Mỹ Đức). Đặc biệt, sẽ cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn để thu hút cả khách nội địa và quốc tế, bởi giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt độc đáo…
Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng cho dân cư năm 2023 tại huyện Ứng Hòa, nhằm tuyên truyền về lợi ích du lịch đem lại, trao đổi về xây dựng sản phẩm, hướng dẫn kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch cho nhân dân, người bán hàng, người phục vụ tại điểm du lịch trên địa bàn huyện với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch di sản, làng nghề truyền thống, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn mới.