Xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu
Theo Cục trưởng Nguyễn Văn Long, ngành chăn nuôi đang định hướng phát triển theo mô hình sản xuất hàng hóa, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước vừa mở rộng tiềm năng xuất khẩu.
Chiều 2/1, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức gặp mặt thông tin về kết quả công tác thú y năm 2024 và kế hoạch trọng tâm năm 2025.
Nguy cơ lây lan dịch bệnh
Ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y chia sẻ: "Mặc dù năm 2024 đã kiểm soát tốt nhiều dịch bệnh gia súc, gia cầm, tình trạng lây lan một số loại dịch bệnh nguy hiểm vẫn gia tăng đáng kể so với năm trước".
Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi, bệnh ở mồm long móng và viêm da nổi cục đều ghi nhận số ổ dịch tăng lần lượt 79%, gấp 2 lần và 26%.
Tính đến nay, cả nước xảy ra 1.575 ổ dịch tả lợn châu Phi với 89.341 con lợn chết và tiêu hủy. Hiện tại, 71 ổ dịch tại 18 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự hạn chế trong việc sử dụng vắc-xin, thiếu kinh phí và lực lượng thú y tại các địa phương.
Tương tự, dịch bệnh dại cũng là thách thức lớn với 82 ca tử vong ở người và 269 ổ dịch trên động vật, tăng gần 15% so với năm 2023. Công tác tiêm phòng cho chó, mèo chỉ đạt trung bình 59,6%, thấp so với yêu cầu kiểm soát dịch.
Cục Thú y đánh giá, nguy cơ bệnh dại tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới là cao do công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương chưa được thực hiện tốt; nhiều tỉnh chưa thống kê, không có báo cáo về số hộ nuôi chó, tổng đàn chó để phục vụ cho công tác tiêm phòng. Nhiều địa phương chưa quyết liệt trong việc triển khai tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó, mèo…
Lũy kế đến nay, cả nước có 3.750 cơ sở, vùng được cấp Giấy chứng nhận An toàn dịch bệnh (ATDB) tại 60 tỉnh, thành phố (trong đó, có 2 vùng ATDB cấp tỉnh, 63 vùng ATDB cấp huyện, 180 vùng ATDB cấp xã và 3.505 cơ sở ATDB).
Về công tác kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong năm 2024, ông Minh cho biết, Cục Thú Y đã thành lập 9 đoàn công tác đi kiểm tra công tác quản lý cơ sở giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y tại 17 tỉnh, thành phố.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2025, Phó Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện 5 Chương trình, Kế hoạch quốc gia về phòng, chống dịch bệnh động vật, đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh theo Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT.
Cục cũng sẽ đôn đốc triển khai "Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2030" và xây dựng kế hoạch nâng cấp hệ thống VAHIS, kết hợp triển khai các dự án hợp tác quốc tế.
"Song song đó, công tác quản lý giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được tăng cường, bao gồm việc giám sát an toàn thực phẩm đối với sữa tươi nguyên liệu, sản phẩm động vật xuất khẩu như thịt gà chế biến, tổ yến, cũng như kiểm soát thực phẩm từ động vật trên cạn và thủy sản nhập khẩu, thịt lợn và thịt gà tiêu thụ nội địa", ông Minh nhấn mạnh.
Mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD sản phẩm từ động vật
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y chia sẻ: "Ngành thú y không chỉ bảo vệ sức khỏe con người, động vật mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm".
Về phát triển chăn nuôi và xuất khẩu, ông Long cho biết, Việt Nam đang hướng đến việc chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn, và Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn an toàn với một số dịch bệnh nguy hiểm.
"Mặc dù vậy, chúng tôi không chỉ đặt mục tiêu đảm bảo vùng an toàn dịch bệnh mà còn hướng đến xuất khẩu, với mục tiêu đạt gần 1 tỷ USD từ xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật. Năm 2025, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu ra các thị trường quốc tế", Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Long cũng chỉ ra nhiều thách thức, từ khó khăn trong kiểm soát nhập khẩu động vật trái phép đến sự e dè của người chăn nuôi đối với vắc-xin dịch tả lợn châu Phi.
Ngoài ra, kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020 - 2025 chưa đưa được vắc-xin này vào diện tiêm phòng bắt buộc. Do đó, nếu muốn tiêm đại trà, các địa phương cần xây dựng kế hoạch ưu tiên nguồn lực để triển khai vắc-xin, nhưng hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất, đặc biệt ở các cấp huyện, thị.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác phòng chống nhập khẩu trái phép động vật, Cục trưởng Cục Thú y cho biết thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép động vật vào Việt Nam.
"Đây là công tác liên tục, đã được chỉ đạo qua nhiều văn bản và đã đạt được những kết quả nhất định. Tình trạng vận chuyển trái phép động vật đã được phát hiện và xử lý kịp thời", ông Long nói.
Tuy nhiên, việc kiểm soát 100% rất khó khăn, vì hiện nay chỉ có quy định về vận chuyển liên tỉnh, còn giao dịch trong tỉnh vẫn chưa được kiểm soát đầy đủ. Mặc dù vậy, công tác phòng chống nhập khẩu trái phép động vật vẫn đang được tiếp tục thực hiện.
Bên cạnh đó, trách nhiệm phòng chống dịch bệnh chủ yếu thuộc về các chủ cơ sở chăn nuôi. Sau khi dịch bệnh lan rộng, chính quyền mới can thiệp để kiểm soát tình hình.
"Chúng tôi đã chọn lựa các loại vắc-xin phòng ngừa có hiệu quả cao, và người dân cần chủ động tiêm phòng. Các dịch bệnh nguy hiểm hiện đã được quy định trong Thông tư 27 về tiêm vắc xin bắt buộc, tuy nhiên dịch tả lợn châu Phi vẫn đang trong quá trình xây dựng để đưa vào danh mục bắt buộc", ông Long nói.