Xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ: 20 năm vẫn 'giậm chân tại chỗ'

Cải tạo chung cư cũ là bài toán lớn của Hà Nội từ đầu những năm 2000. Thế nhưng, trong hơn 20 năm qua, công tác này vẫn 'giậm chân tại chỗ' với chỉ có khoảng 1,2% trong tổng số gần 1.600 nhà chung cư cũ được cải tạo, xây dựng lại.

Một trong những vấn đề lớn nhất khi cải tạo các khu chung cư cũ là đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Để giải quyết vấn đề này, một mô hình mới được đề xuất là Cộng đồng cư dân tổ chức liên kết cải tạo chung cư cũ. Mô hình này đặt người dân làm trung tâm, khuyến khích sự tham gia của các hộ gia đình, kết hợp với doanh nghiệp để huy động nguồn lực xã hội hóa, từ đó thúc đẩy quá trình cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Vậy, xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ, cộng đồng cư dân tự làm có được không? VOV Giao thông đối thoại cùng TS Phạm Đình Tuyển, Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch - Trường Đại học Xây Dựng về nội dung này:

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những khó khăn khi triển khai các mô hình cải tạo chung cư cũ hiện nay?

TS.Phạm Đình Tuyển: Những khó khăn không phải đến từ phía Nhà nước vì Nhà nước đã tạo các điều kiện và cơ chế, chính sách. Khó nhất là nhận thức của mỗi người, Hà Nội có nhận thức là việc cải tạo chung cư cũ là việc của các nhà đầu tư, người dân thì nhận thức thụ động dẫn tới không ai làm được nên nó trở thành khó khăn.

Khó khăn nữa là các mô hình đó chưa rõ ràng, ví dụ như mô hình chúng ta cho các nhà đầu tư vào cải tạo khu tập thể Kim Liên nó khác với một khu vực đồng không mông quạnh khi ở đây là khu vực người dân là các chủ sở hữu mà lại mời người ta đi.

Bây giờ chúng ta phải thay đổi, trước hết người dân phải coi đây là việc của mình, giống như ngôi nhà của mình, nó xuống cấp thì không thể mời hàng xóm sang sửa được mà chúng ta phải tổ chức thực hiện.

PV: Vậy, mô hình Cộng đồng hộ dân tự tổ chức cải tạo lại chung cư cũ sẽ ra sao?

TS.Phạm Đình Tuyển: Thứ nhất, hộ dân sẽ xác định đây là công việc của mình, của cộng đồng mình, sau đó sẽ kết hợp với các nhà khoa học và các nhà xã hội để họ hướng dẫn thực hiện đúng quy định pháp luật.

Sau đó, người dân kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư trong quá trình xây dựng, họ chỉ xây dựng chứ không làm chủ mảnh đất đó, sau khi xong việc, nhà đầu tư được hưởng các quyền lợi như nhà ở xã hội rồi rời đi còn tầng hầm, tầng thương mại dịch vụ là của cư dân và hệ số đền bù có thể hỗ trợ cho cộng đồng cư dân của mình vượt hơn so với Nhà nước.

PV: Ông có kiến nghị gì để mô hình này sớm đi vào thực tiễn, giúp thúc đẩy tiến độ cải tạo nhà chung cư cũ?

TS.Phạm Đình Tuyển: Mô hình này là điểm khởi đầu và chúng tôi sẽ gửi Thành phố Hà Nội để giúp cho việc quy hoạch các khu chung cư cũ còn lại trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là các tòa nhà chung cư đơn lẻ, hiện nay chúng ta đang có 360 chung cư đơn lẻ và vẫn đang theo mô hình cũ là kêu gọi một nhà đầu tư bên ngoài đến để xây cho dân mà nên để dân tự làm để Hà Nội đẩy nhanh được tiến độ cải tạo chung cư cũ và tạo chuẩn mực mới về cộng đồng trong thời đại mới.

PV: Vâng, xin được cảm ơn ông!

Nguyễn Yên/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xay-dung-cai-tao-lai-chung-cu-cu-20-nam-van-giam-chan-tai-cho-post1216895.vov