Xây dựng chế định Luật sư công: Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật

Khái niệm Luật sư công không phải đến nay mới được nhắc tới, mà đã được đề cập khi xây dựng Luật Luật sư năm 2006. Tuy nhiên, ở thời điểm đó do chưa chín muồi nên vấn đề này vẫn đang được nghiên cứu, xem xét. Trong bối cảnh chúng ta đang nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật trong giai đoạn hiện nay thì nhiều ý kiến cho rằng xây dựng chế định về luật sư công là một giải pháp cần thiết.

Các Luật sư trong một phiên tòa hình sự. Ảnh: H.Mây

Các Luật sư trong một phiên tòa hình sự. Ảnh: H.Mây

Số lượng Luật sư phân bổ không đồng đều

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định quyền được bào chữa là quyền cơ bản của công dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không phải ai cũng đủ khả năng tài chính để thuê luật sư, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số và các nhóm yếu thế.

Bộ Tư pháp cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, trong cả nước đã có hơn 18.200 luật sư hoạt động trong hơn 5.400 tổ chức hành nghề luật sư (tăng khoảng 14.000 luật sư so với năm 2006) đã dần đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, tổ chức. Đồng thời, với số lượng tổ chức hành nghề luật sư như hiện nay đã tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với dịch vụ của luật sư. Một số tổ chức hành nghề luật sư bước đầu phát huy được thế mạnh, xây dựng được thương hiệu của mình, tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế

Tuy nhiên, tổng kết Luật Luật sư, Bộ Tư pháp cho rằng, một trong những hạn chế là sự phân bố của đội ngũ luật sư không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh..., trong khi đó tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa số lượng luật sư, luật sư có trình độ cao còn ít, ảnh hưởng tới nhu cầu, khả năng được tiếp cận các dịch vụ pháp lý của nhân dân. Chất lượng luật sư chưa đồng đều, chưa tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và tạo lập được niềm tin với người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Như vậy với số lượng luật sư phân bổ không đồng đều, đặc biệt thưa vắng ở các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn sẽ làm cho người nghèo, đối tượng chính sách khó khăn hơn khi được hưởng chính sách hỗ trợ pháp lý từ nhà nước. Do vậy nếu có luật sư công sẽ giúp những đối tượng này tiếp cận được dịch vụ pháp lý mà không gặp phải những rào cản về chi phí.

Phát triển đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới chỉ rõ: “Hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế”.

Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư chỉ đạo, tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về luật sư bảo đảm đồng bộ, thống nhất, vừa tăng cường quản lý của các cơ quan chức năng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của luật sư, trong đó chú trọng nâng cao tiêu chuẩn chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của luật sư. ..Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút luật sư tham gia hoạt động tư vấn pháp luật, nhất là hoạt động tư vấn giải quyết tranh chấp quốc tế, phục vụ hội nhập quốc tế; tư vấn các chính sách thu hút đầu tư, dự án kinh tế - xã hội ở Trung ương và địa phương; trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân ở vùng sâu vùng xa, người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và các công tác xã hội khác..

Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 07/10/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu về chế định “Luật sư công” giữ vai trò đại diện, giúp chính quyền địa phương tham gia các hoạt động tố tụng tại cơ quan tố tụng khi có yêu cầu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo sửa đổi Luật Luật sư. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội tốt để tạo lập hành lang pháp lý cho đội ngũ Luật sư công - một chế định mới ở Việt Nam, đảm bảo sự tham gia hiệu quả của đội ngũ này trong thi hành pháp luật.

Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cá nhân thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm trợ giúp viên pháp lý; Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; Cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý đã nêu trong Chiến phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam, trong các năm qua các tổ chức hành nghề Luật sư đã có sự tham gia tích cực vào công tác trợ giúp pháp lý. Thông qua hoạt động trợ giúp miễn phí, người dân được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí do đội ngũ luật sư chuyên nghiệp cung cấp.

Thu Nguyễn

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xay-dung-che-dinh-luat-su-cong-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-thi-hanh-phap-luat-post533417.html