Xây dựng chiến lược phát triển phù hợp
Kinh doanh nhượng quyền thương mại đang dần trở thành một kênh đầu tư kinh doanh nổi trội và đầy hấp dẫn. Thị trường Việt Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng hội đủ các yếu tố tiềm năng như: thị trường tiêu dùng lớn, mức thu nhập của người dân tăng nhanh và một thế hệ người tiêu dùng trẻ năng động. Do đó, thời gian gần đây hoạt động nhượng quyền thương mại đang phát triển sôi động.
* Cần xây dựng kế hoạch “dài hơi”
Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là những thương hiệu đến từ các nền kinh tế trong khu vực ASEAN, cũng như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản..., xu hướng các doanh nghiệp vừa và nhỏ mua nhượng quyền của các doanh nghiệp trong khu vực vẫn sẽ tăng cao. Điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với những người muốn đi theo mô hình nhượng quyền thương mại, nhất là người trẻ.
Theo các chuyên gia, nhượng quyền thương mại cung cấp vô số cơ hội và loại hình kinh doanh khác nhau, từ dịch vụ đến đồ ăn nhanh. Có rất nhiều lựa chọn để nhượng quyền nhưng trước hết nhà đầu tư cần nghiên cứu xem cơ hội kinh doanh nào phù hợp nhất với bản thân.
Kinh doanh theo mô hình nhượng quyền luôn được nhận định là cuộc đua đường dài, cả về tiềm lực tài chính, khả năng quản lý, đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới liên tục để bắt kịp xu thế của thị trường. Hiện nay, cho dù chuỗi cà phê, chuỗi thức ăn nhanh hàng đầu thì khi nhắc đến chi phí vận hành vẫn là một bài toán khó, đòi hỏi cần có kế hoạch dài hơi, cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, quản lý cửa hàng Highlands Coffee trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) cho biết, cuộc cạnh tranh để giành những vị trí đắc địa ở các khu đô thị, thành phố lớn khiến giá thuê mặt bằng kinh doanh hiện đã ở mức rất cao. Hơn thế nữa, hoạt động quản trị tài chính, quản trị nhân sự, cũng như quản lý nguyên liệu, kiểm kê hàng hóa, điều chuyển kho quỹ, chất lượng dịch vụ… cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh theo chuỗi nói chung và kinh doanh theo hướng nhượng quyền thương hiệu nói riêng.
* Lưu ý vấn đề pháp lý
Ông Huỳnh Thanh Vạn, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, một tổ chức của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, nhượng quyền thương mại là một lĩnh vực có nhiều điều kiện để phát triển. Muốn tạo dựng thương hiệu nhượng quyền trước hết cần xác định rõ giá trị của thương hiệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ độc đáo. Các bạn trẻ khi muốn khởi nghiệp bằng hình thức nhượng quyền thương mại nên học hỏi, trau dồi những kiến thức về pháp lý, quản trị nhân sự. Đặc biệt, những kiến thức, kế hoạch về tài chính là rất quan trọng đối với các mô hình khởi nghiệp, trong đó có khởi nghiệp bằng nhượng quyền thương mại.
Trên thực tế, nhiều đơn vị nhận nhượng quyền là những doanh nghiệp nhỏ chưa có nền tảng vận hành, chưa biết cách khai thác hiệu quả về chất lượng sản phẩm, không thể cạnh tranh làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhượng quyền.
Sự bùng nổ về số lượng mô hình kinh doanh nhượng quyền thương mại đòi hỏi cần có các cơ chế quản lý phù hợp của Nhà nước để kịp thích ứng với bối cảnh thị trường luôn biến đổi muôn hình vạn trạng. Về mặt pháp lý, nhượng quyền thương mại được chia thành ba nhóm: nhượng quyền trong nước, nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài và nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam. Theo quy định, nhượng quyền trong nước là trường hợp không phải thực hiện thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại, nhưng hằng năm phải làm thủ tục thông báo tới Sở Công thương để đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành.
Theo Sở Công thương, khi kinh doanh bằng hình thức nhượng quyền, doanh nghiệp cần có hiểu biết pháp luật nhất định, cần tìm hiểu, xem xét kỹ để lường trước những vấn đề có thể xảy ra trong quá trình ký kết hợp đồng, hạn chế những rủi ro, tranh chấp giữa các bên liên quan. Các bên cần gắn kết với nhau thông qua các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng như: cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, tỷ lệ phân chia lợi nhuận…