Xây dựng chiến lược quốc gia trong điều phối ghép tạng
Trình độ ghép mô, tạng của các bác sĩ Việt Nam tương đương các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, số người mắc các bệnh hiểm nghèo chưa được cứu sống còn cao.
Ca điều phối ghép tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, thời gian từ lúc có nguồn tạng hiến đến lúc tìm được ca ghép thích hợp mất quá nhiều thời gian. Vì vậy, chỉ thực hiện được 2 ca ghép cho 2 người suy thận tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế.
Trung tâm điều phối tạng quốc gia cho biết có trường hợp khi có ca hiến tạng nhưng phải tìm tới 119 bệnh nhân thì mới tìm được người cần ghép. Thậm chí, có bệnh viện lấy tạng hiến chỉ thông báo trước 2 tiếng đồng hồ. Đây đang là những khó khăn, rào cản của hoạt động điều phối ghép tạng.
Hiện tại, chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể về việc hiến, tặng mô, tạng. Một số vấn đề chuyên môn sâu, phức tạp thì trong luật ghi tương đối ngắn gọn, không cụ thể.
Vì thế, vận động được người đăng ký hiến tạng đã khó, với rất nhiều trường hợp không may qua đời, bác sĩ vẫn không thể lấy được tạng hiến để cứu người. Thậm chí có những trường hợp, đến phút cuối, một người thân trong gia đình không đồng ý là toàn bộ ê-kíp lấy tạng phải dừng lại.
GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, cho biết: ''Có những người chờ người chết mới hiến được tim, phổi và chúng ta lãng phí rất nhiều do quan niệm gia đình không hiến''.
Một rào cản lớn nữa là nhận thức, khi phần lớn người dân vẫn có quan niệm chết phải "toàn thây", e ngại đụng vào thân thể người thân sau khi chết, sợ ảnh hưởng đến gia đình.
Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia vừa thành lập 9 hội đồng và xây dựng quy trình điều phối, ưu tiên, tiêu chí ghép tạng, tiêu chí cấp cứu. Việc thành lập các hội đồng này sẽ giúp các cơ sở y tế tham gia mạng lưới hiến, tặng mô, tạng và mạng lưới ghép có quy trình phân phối tạng minh bạch, công khai, hiệu quả và nhanh chóng, không lãng phí nguồn tạng hiến.