Xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh cần tránh 'bẫy' lọc ngành
Vấn đề quan trọng nhất trong việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam hiện nay là việc sự lựa chọn lộ trình thực hiện phù hợp. Nếu lộ trình sai thì mục tiêu tốt đẹp nhưng cũng khó đạt được như mong muốn.
Tại hội thảo "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?", tổ chức ngày 5/12 tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tăng trưởng xanh, xanh hóa nền kinh tế là “giấy thông hành” để Việt Nam tiến vào thị trường thế giới. Đây là xu hướng tất yếu và cũng là vấn đề sống còn. Tuy nhiên, quá trình xanh hóa cần có lộ trình thực hiện phù hợp, tránh “bẫy” lọc ngành và xanh hóa ngay lập tức.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, vấn đề quan trọng nhất trong việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam hiện nay là việc sự lựa chọn lộ trình thực hiện phù hợp. Nếu lộ trình sai thì mục tiêu tốt đẹp nhưng cũng khó đạt được như mong muốn. Do đó, chiến lược xanh ở Việt Nam cần tránh được “bẫy” lọc ngành mà hãy chú trọng công nghệ, vì hệ thống kinh tế là một chuỗi giá trị mà Việt Nam đang khuyến khích phát triển hệ sinh thái, công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời phải tránh cái “bẫy” xanh hóa ngay lập tức. Bởi thực tế vẫn có một số địa phương không cho phép doanh nghiệp mở rộng dự án sản xuất dù họ đảm bảo các tiêu chuẩn như các nước phát triển. Thậm chí, một số chỉ tiêu của bộ, ngành đưa ra còn cao hơn cả các nước phát triển. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn đưa ra cần phù hợp với lộ trình phát triển, vẫn phải đảm bảo năng lực cạnh tranh. Nếu quy định chặt chẽ quá thì tương lai sẽ xuất hiện xu hướng nhà đầu tư “chạy” sang nước khác.
Vì vậy, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất, Việt Nam cần xây dựng chiến lược quốc gia phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực và có sự phối hợp liên ngành. Các bộ, ngành phối hợp xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển xanh phù hợp, phân loại xanh, tiêu chuẩn định mức cụ thể để các địa phương ghi nhận đầu tư, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng theo chuẩn quốc gia đó để thúc đẩy và giám sát đầu tư. Đồng thời, ông Lộc cho rằng cần phải có những dự án tiên phong bứt phá vươn lên, tạo nên điểm đột phá trong tốc độ chuyển đổi xanh của nền kinh tế. Đặc biệt, phải quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có chính sách phù hợp, hỗ trợ về nhận thức, quản trị để thực hiện chuyển đổi xanh…
Dưới góc độ của chuyên gia, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, việc “lọc ngành” phải được hiểu theo nghĩa rộng, không phải bỏ ngay lập tức mà phải có lộ trình, tính toán xem bỏ cái gì trong ngành đó, thu hẹp như thế nào... Chính sách cấu trúc ngành phải tạo ra được hệ thống, có lộ trình để giảm dần những cú sốc cho doanh nghiệp, nền kinh tế, cũng như đảm bảo việc làm của người lao động.
Theo ông Trần Đình Thiên, nhà nước phải xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chí cụ thể thì tăng trưởng xanh mới vận hành được, nếu không sẽ dễ thỏa hiệp hoặc gây rủi ro cho những doanh nghiệp đi trước. Thực tế đã chứng minh những doanh nghiệp, địa phương nào đi đầu đều phải chịu rủi ro, thách thức rất lớn, thậm chí còn chịu "ăn đòn" khiến những người sau không dám làm.
Ở góc độ địa phương, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, do quỹ đất còn lại khá hạn hẹp nên thành phố mong muốn các dự án đầu tư là những dự án có hàm lượng giá trị gia tăng cao, tỷ suất đầu tư cao, ngành nghề công nghệ cao và công nghiệp cao.
Tuy vậy, đại diện Hepza cho rằng, việc chuyển đổi này không phải lọc ngành mà là lọc công nghệ, giảm phát thải, tăng hiệu quả đầu tư. Hepza khi bắt đầu một quy hoạch mới thường sẽ dành một quỹ đất, có thể diện tích không lớn nhưng đặt các ngành nghề không khuyến khích đặt trong cộng đồng dân cư.
"Không nên đặt vấn đề chọn ngành gì, ngành thâm dụng lao động hay ô nhiễm môi trường. Vì công nghệ và thị trường sẽ điều tiết và điều chỉnh từng lĩnh vực mà nhà đầu tư muốn vào”, ông Hứa Quốc Hưng cho biết.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ - chủ đầu tư Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 cho rằng, câu chuyện kiểm soát phát triển xanh phải là sự phối hợp của 3 đơn vị: nhà quản lý, các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp và nhà đầu tư sản xuất trong khu công nghiệp. Từ lợi thế địa phương, cơ quan quản lý xác định phát triển ngành nghề gì, kêu gọi ngành nghề gì từ đó đặt ra mục tiêu giảm phát thải.
Nhà đầu tư phát triển khu công nghiệp là cánh tay nối dài của nhà nước, đưa những quy chế để yêu cầu các nhà đầu tư vào sản xuất trong khu công nghiệp tuân thủ, cùng thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Tuy vậy, để đáp ứng các tiêu chí sinh thái, nhà đầu tư phát triển khu công nghiệp cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn khi suất đầu tư lớn, cộng với lãi suất cao. Nếu không thu hút được đầu tư thì chủ đầu tư sẽ gặp rất khó khăn.