Xây dựng Chính phủ điện tử: Cần quyết tâm lớn
Chỉ sau một năm vận hành, Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đã phục vụ hơn 92 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và dịch vụ, trong đó hơn 893 nghìn lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, hơn 36.000 giao dịch thanh toán trực tuyến và hơn 591.000 hồ sơ nộp trực tuyến được thực hiện. Đây là kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để xây dựng thành công Chính phủ điện tử vẫn còn nhiều việc phải làm nhanh, làm chắc trong thời gian tới.
Kết quả tích cực
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xây dựng Chính phủ điện tử: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh và bắt đầu từ những việc cụ thể”, trong những năm qua, Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực không ngừng để đem lại những kết quả tích cực.
Theo đó, từ khi Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương ngày 12/3/2019, đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan trung ương và địa phương, thúc đẩy xử lý văn bản, hồ sơ trên môi trường mạng. Hiện đã có hơn 3,5 triệu văn bản điện tử, gửi nhận qua Trục. Theo tính toán sơ bộ giúp tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng/năm.
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vận hành từ ngày 24/6/2019, đến nay đã phục vụ 23 phiên họp Chính phủ và hơn 590 phiếu lấy ý kiến, giúp thay thế hơn 215 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy. Chi phí tiết kiệm được khi sử dụng Hệ thống là khoảng 169 tỷ đồng/năm.
Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19/8/2020 là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Chi phí tiết kiệm khi vận hành khoảng 460 tỷ đồng/năm.
Không những thế, Cổng DVCQG sau 1 năm vận hành (từ 09/12/2019) đến nay đã tích hợp trên 2.500/6.798 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ 37%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 5%), với hơn 92 triệu lượt truy cập, trên 390 nghìn tài khoản đăng ký, hơn 25 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 612 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng.
Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG là hơn 6.700 tỷ đồng/năm. Các hệ thống thông tin trên được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm chi phí xã hội ước tính trên 8.500 tỷ đồng/năm và nhận được phản hồi tích cực của xã hội; tạo sự thay đổi rõ rệt về phương thức làm việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước cũng như trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Nhiều “điểm nghẽn” chờ tháo gỡ
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để xây dựng thành công Chính phủ điện tử vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhanh, làm chắc trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện tại, nhiều nhiệm vụ về Chính phủ điện tử cũng còn chậm và nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức.
Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử rất chậm so với tiến độ cần có. Các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có kết nối dữ liệu giữa các hệ thống thông tin...
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nêu 9 nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ số.
Mục tiêu cơ bản đến năm 2025 sẽ phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.