Xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, Đắk Lắk đồng thuận để phát triển
VOV.VN-Đắk Lắk đang tập trung triển khai nghiêm túc và hiệu quả chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.Thể hiện quyết tâm chính trị trong việc xây dựng bộ máy 'tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả'
Luôn theo dõi các thông tin liên quan đến chủ trương sáp nhập và tinh gọn bộ máy, đảng viên Nguyễn Văn Lập, ở xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột cảm nhận đây thực sự là cuộc cách mạng. Cá nhân ông và đông đảo nhân dân tin rằng, sự thay đổi này sẽ mở ra tương lai phát triển cho đất nước.
“Tầm quy hoạch và khả năng phát triển kinh tế sẽ mở rộng hơn, tạo điều kiện để thúc đẩy những ý tưởng mới, người dân kết nối rộng hơn, giao lưu nhiều hơn, và chắc chắn đời sống văn hóa cũng sẽ đa dạng, phong phú hơn.”
Với bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, việc kết thúc hoạt động của bộ máy hành chính cấp huyện, bà và đội ngũ cán bộ, công chức cùng cấp sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, việc tinh gọn bộ máy là một yêu cầu cấp thiết, có lợi cho sự nghiệp chung nên mỗi cán bộ, đảng viên ở huyện đều ý thức rõ trách nhiệm của mình.
“Giai đoạn đầu chắc chắn có hoang mang, lo lắng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng thông qua công tác tuyên truyền, trao đổi, quán triệt, thì cán bộ, đảng viên và công chức đã nhận thức rõ tầm quan trọng của chủ trương, từ đó đồng lòng thực hiện vì sự phát triển chung của đất nước.” - bà Ngô Thị Minh Trinh cho biết.

Mỗi cán bộ, đảng viên huyện Krông Pắc đều ý thức rõ trách nhiệm của mình trong hoạt động sắp xếp bộ máy theo chính quyền 2 cấp.
Theo phương án sáp nhâp cấp xã đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, số địa phương cấp xã sẽ giảm khoảng 70%, nghĩa là sẽ có việc 3 xã sáp nhập thành 1 xã. Các cán bộ đảng viên ở Đắk Lắk đều xác định, quá trình công tác sẽ không tránh khỏi những khó khăn ban đầu sau sáp nhập, từ thói quen sinh hoạt, khoảng cách địa lý cho đến môi trường làm việc mới. Tuy nhiên, tinh thần tiên phong và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nơi đây đã tạo niềm tin và khí thế triển khai chủ trương một cách vững vàng. Bà Cao Thị Thúy Nga, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, cho biết:
“Chúng tôi tăng cường cán bộ về cơ sở, nhằm thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ phục vụ người dân – đúng với tinh thần ‘Cán bộ là công bộc của dân’. Dù cùng lúc phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, chúng tôi luôn xác định: còn một ngày làm cán bộ thì còn hết lòng vì công việc và vì nhân dân.”
Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 180 đơn vị hành chính cấp xã (gồm xã, phường, thị trấn), sau khi sắp xếp dự kiến chỉ còn 45 đơn vị – giảm khoảng 75%. Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk, việc sắp xếp này không chỉ góp phần tinh giản tổ chức bộ máy, cơ cấu lại cán bộ mà còn là cơ hội để phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho cấp xã. Từ đó, chính quyền gần dân hơn, phục vụ nhân dân thuận tiện và hiệu quả hơn.
“Thời gian qua, các địa phương và các ngành đã từng bước sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đến nay mọi việc đều đang đi đúng hướng. Sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã. Đây là chủ trương hoàn toàn hợp lý, sát thực tiễn, giúp giải quyết những khó khăn hiện tại và phát huy hiệu quả tiềm năng của từng địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh một cách bền vững.” - Ông Nguyễn Hoài Dương thông tin.

Đắk Lắk có 180 đơn vị hành chính cấp xã, sau khi sắp xếp dự kiến chỉ còn 45 đơn vị – giảm khoảng 75%.
Với tinh thần “Tổ chức lại chính quyền địa phương hai cấp không chỉ là một sự điều chỉnh về mặt hành chính, mà còn là bước chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy quản trị và vận hành bộ máy nhà nước”, thì sự đồng thuận từ trên xuống dưới – từ cấp ủy, chính quyền đến từng cán bộ, đảng viên và người dân tại Đắk Lắk chính là “chìa khóa” bảo đảm cho quá trình sáp nhập diễn ra thuận lợi, hiệu quả và bền vững.