Xây dựng chính sách năng lượng tái tạo: Cần có lộ trình, giảm rủi ro cho nhà đầu tư
Tính đến ngày 18/8, mới có 20 dự án (trong tổng số 79 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ đàm phán) được vận hành thương mại - tức là được phát điện lên lưới và sẽ được nhận thanh toán với mức giá tạm. Xung quanh vấn đề này, Báo PLVN có cuộc phỏng vấn ông Stuart Livesey - Phó Chủ tịch Tiểu ban Phát triển Xanh phụ trách Nhóm Công tác Năng lượng tái tạo và Năng lượng hiệu quả, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Ông cho biết các quốc gia khác xây dựng khung chính sách cho năng lượng tái tạo (NLTT) như thế nào, đặc biệt là các chính sách cho các dự án không kịp đáp ứng thời hạn ưu đãi?
- Thông thường, các chính sách và quy định được thiết lập ban đầu nhằm thu hút sản xuất NLTT để chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân. Thực tế cho thấy, các quốc gia thành công nhất trong việc thiết lập và duy trì NLTT đã tập trung vào việc bảo đảm có một lộ trình rõ ràng để tiếp cận thị trường cho các nhà phát triển, bao gồm các vấn đề khảo sát, giấy phép, cơ chế khuyến khích và các cơ chế giá mua điện cố định cho phép các nhà phát triển xây dựng phương án kinh doanh với ngân sách có thể dao động từ hàng trăm nghìn đến hàng tỷ USD.
Nhiều quốc gia như Anh quốc đã khởi xướng các ưu đãi giá mua điện để thúc đẩy các dự án NLTT. Những ưu đãi này đi kèm với các yêu cầu liên quan đến thời gian cho quyết định đầu tư tài chính, các mốc thương mại và cấp phép khác để bảo đảm dự án nhận được giá mua điện hấp dẫn nếu được phát triển đúng thời hạn để đáp ứng nhu cầu quốc gia. Một số quốc gia đã gặp khó khăn ban đầu để có thể cung cấp đủ sự chắc chắn cho các nhà phát triển ngành công nghiệp tái tạo và điều này đã dẫn đến sự chậm trễ.
Với trường hợp dự án bị chậm thời gian áp dụng giá mua điện như các dự án được liệt kê (85 dự án không kịp thời hạn nên không được mua với giá ưu đãi - PV) thì các quốc gia khác thường có lộ trình cắt giảm mức trợ cấp theo thời gian nếu các nhà phát triển không thể đạt được các cam kết thời gian trước đó. Ví dụ, ở Anh, trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi có giấy chứng nhận nghĩa vụ tái tạo, nêu ra các mức giá mua điện nhất định nếu các dự án có thể kịp vận hành thương mại trong một năm nhất định. Trường hợp thất bại, các dự án sẽ áp dụng mức giá mua điện thấp hơn, hoặc phải chờ đợi một cơ chế đấu giá mới.
Thưa ông, vậy cần có những lưu ý gì khi xây dựng chính sách cho NLTT?
- Điều cần lưu ý là các chính sách phải phát triển theo thời gian và không thể tạo ra một khung chính sách bảo đảm trong tương lai ngay lập tức, đặc biệt là khi một quốc gia và cơ sở hạ tầng đi kèm (lưới điện, cảng, hệ thống giao thông, chuỗi cung ứng…) cần phát triển để quản lý điều này.
Nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ đã phát triển khung chính sách của họ, tuy nhiên cần chú ý rằng khi có sự thay đổi về nhu cầu năng lượng, bối cảnh an ninh, sự sẵn có của chuỗi cung ứng trong khu vực và trên thế giới, các khung chính sách này phải đủ linh hoạt để cho phép thích ứng hoặc để bảo đảm rằng khi các yếu tố chính thay đổi hoặc khi quan điểm của các bên liên quan khác nhau, các chính sách có thể được sửa đổi tương đối nhanh chóng nhưng vẫn bảo vệ được các nhà đầu tư (NĐT) lớn.
Do đó, thường các dự án phát triển NLTT lớn sẽ được giải quyết tranh chấp tại một số tòa án quốc tế nhất định trong các thỏa thuận thương mại (như Singapore hoặc Anh), chọn loại tiền tệ tương đối ổn định (USD) và tránh rủi ro thương mại thông qua các điều khoản về chấm dứt hoặc cắt giảm. Hiện các hợp đồng mua bán điện ở Việt Nam phát sinh các rủi ro đáng kể liên quan đến những điều khoản này đối với các dự án đầu tư lớn vào NLTT.
Vậy theo ông, Việt Nam có thể làm gì để tránh những rủi ro này trong các chính sách trong tương lai?
- Việc thiếu khung chính sách cho NLTT khiến NĐT bối rối trong việc cam kết tài chính khi đầu tư vào thị trường, dẫn tới khó khăn để xây dựng ngành NLTT quốc gia. Chính vì vậy, cần có một khung pháp lý rõ ràng, lộ trình thời gian và quy trình ra quyết định minh bạch để bảo đảm các NĐT có đủ thông tin để thực hiện dự án NLTT.
Để tránh những vấn đề này, Việt Nam có thể tạo ra một lộ trình rõ ràng nhằm giảm mức độ rủi ro cho các NĐT như cần bảo đảm trách nhiệm và quyết định rõ ràng cho các đề xuất và lựa chọn dự án; Hợp đồng mua bán điện (PPA) khả thi, cần tránh các vấn đề như cắt giảm công suất, điều khoản chấm dứt hợp đồng sớm và nên xem xét lựa chọn tòa trọng tài quốc tế…
Trân trọng cảm ơn ông!
Cơ hội phát triển năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á
Báo cáo “Sản xuất NLTT: Cơ hội cho Đông Nam Á”, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ từ thiện Bloomberg, Quỹ ClimateWorks và Tổ chức Năng lượng bền vững cho tất cả (SEforALL) công bố hôm qua (24/8) cho biết, khu vực Đông Nam Á có thể mất tới 30% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2050 do nhiệt độ toàn cầu tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, nhưng việc tăng cường năng lực sản xuất NLTT của khu vực sẽ giúp các nước Đông Nam Á tạo ra việc làm mới và đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải.
Cũng theo Báo cáo, các ngành công nghiệp pin quang điện mặt trời, pin và xe điện hai bánh đang phát triển của Đông Nam Á mang lại cơ hội doanh thu ước tính từ 90 - 100 tỷ USD vào năm 2030, với 6 triệu việc làm NLTT tiềm năng sẽ được tạo ra vào năm 2050.
Báo cáo xác định tham vọng và kết quả tiềm năng để Đông Nam Á đạt được những mục tiêu sau: Tăng công suất sản xuất pin mặt trời dạng mô-đun từ 70 GW lên 125 - 150GW vào năm 2030; Phát triển chuỗi giá trị sản xuất pin khu vực, tăng nhu cầu trong nước và khu vực, đồng thời đưa Đông Nam Á trở thành trung tâm xuất khẩu khu vực và toàn cầu, sản xuất các khối pin 140 - 180 gigawatt-giờ (GWh) vào năm 2030; Mở rộng công suất lắp ráp xe điện hai bánh (E2W) tại Đông Nam Á từ 1,4 - 1,6 triệu chiếc mỗi năm lên khoảng 4 triệu chiếc vào năm 2030.
My My