Xây dựng chính sách phải tham vấn ý kiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân
Đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (đoàn Quảng Ninh), Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu tại tổ sáng 12/2 về dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi).
![Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (đoàn Quảng Ninh) đề nghị xây dựng chính sách phải tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và cả doanh nghiệp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_95_51465690/b71bd028e06609385077.jpg)
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (đoàn Quảng Ninh) đề nghị xây dựng chính sách phải tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và cả doanh nghiệp.
Ba từ khóa: Tham vấn, thí điểm và dễ thực thi
Theo đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, dự thảo Luật mới làm rõ được quá trình tham vấn (xin ý kiến ngay trong quá trình xây dựng luật) với thẩm tra (sau khi xây dựng luật xong thì gửi các cơ quan của Quốc hội cho ý kiến) chứ chưa quy định cụ thể về quá trình tham vấn.
Hiện tại, dự thảo Luật mới quy định phải tham vấn ý kiến các cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành địa phương..., đại biểu cho rằng chính quy định này làm cho nhiều văn bản pháp luật của chúng ta chưa gắn vào thực tế đời sống.
"Tham vấn là phải nhấn mạnh vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, họ là những chuyên gia độc lập, không tham gia vào quá trình soạn thảo nhưng có kiến thức và năng lực phản biện rất tốt. Đặc biệt, những vấn đề về kinh tế xã hội và một số vấn đề về văn hóa nhất thiết phải tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân vì họ là những đối tượng trực tiếp chịu tác động của chính sách", đại biểu đoàn Quảng Ninh nêu quan điểm.
"Nếu không làm được như thế, các quy định của chúng ta sẽ chỉ mang tính chất "máy lạnh", "phòng trà". Bởi thế có câu chuyện, có đồng chí trên Bộ về làm bí thư tỉnh ủy một tỉnh, hỏi cấp dưới tại sao lại làm thế này, cấp dưới trả lời là "quy định này do anh ký mà?", ông Thắng nói thêm.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, khi sửa đổi Luật ban hành VBQPPL cần phân định rõ những vấn đề mang tính ổn định lâu dài và những vấn đề mà thực tiễn thay đổi thường xuyên.
Đối với những vấn đề thực tiễn thay đổi thường xuyên, trước khi xây dựng luật nhất thiết phải có cơ chế thí điểm, sau đó có sơ kết và nếu thành công thì cho áp dụng đại trà.
"Ví dụ, vừa rồi chúng ta thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng thành công, sau đó TP. Hải Phòng xin thí điểm thì Quốc hội cho Hải Phòng áp dụng luôn mô hình của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng", ông Thắng nêu.
Một điểm đáng lưu ý nữa theo đại biểu, cái yếu nhất của chính sách của chúng ta hiện này là khâu tổ chức thực hiện.
"Trong dự thảo, các đồng chí yêu cầu văn bản pháp luật phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp cận, nhưng lại quên mất yếu tố quan trọng là cần phải dễ thực thi. Chúng ta nói nhiều là phải giải quyết điểm nghẽn thể chế hiện nay, chính là điểm nghẽn về tổ chức thực hiện", ông Thắng lưu ý.
Đây cũng là quan điểm của đại biểu Vũ Tuấn Anh (đoàn Phú Thọ). Ông Tuấn Anh cho rằng, đã tham vấn chính sách thì phải tham vấn ý kiến các chuyên gia sẽ phù hợp hơn, thay vì tham vấn ý kiến các cơ quan.
Cần phân biệt "tham vấn chính sách" và "lấy/xin ý kiến"
Phát biểu trong phiên thảo luận tổ sáng 12/2, đại biểu Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang) cho biết, so với luật hiện hành, điểm mới của dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) là quy định về tham vấn chính sách. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ giữa vấn đề “tham vấn chính sách” và vấn đề “lấy/xin ý kiến”.
![Đại biểu Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_95_51465690/df6dab5e9b10724e2b01.jpg)
Đại biểu Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang)
Theo quy định của luật hiện nay, chỉ được tham vấn các cơ quan như Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan ngang bộ đối với chính sách. Như vậy, muốn “tham vấn rộng hơn, mở hơn” lại không được.
"Trong khi đó, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan ngang bộ cũng là đối tượng xin ý kiến. Như vậy là vừa có văn bản xin ý kiến, vừa có văn bản tham vấn chính sách, do đó khó bảo đảm tính độc lập và minh bạch.
Nếu chúng ta không làm rõ hai vấn đề này thì sẽ gây khó khăn cho các cơ quan lấy ý kiến và các cơ quan được tham vấn”, đại biểu Hoàng Hữu Chiến phân tích.
Nhấn mạnh “tham vấn” rộng hơn “lấy/xin ý kiến” và “lấy/xin ý kiến” chỉ là một bước trong quy trình xây dựng luật, đại biểu Hoàng Hữu Chiến nêu ví dụ, vấn đề điện hạt nhân có thể tham vấn cả quốc tế, các chuyên gia hàng đầu về hạt nhân…, thậm chí tham vấn đối với người dân nếu chính sách lớn, có tác động thì cần thiết có tham vấn.
Do đó, ông Chiến đề nghị làm rõ khái niệm “tham vấn” trong phần giải thích từ ngữ tại Điều 3 của dự thảo Luật để bảo đảm tính độc lập, minh bạch, giúp ích cho các cơ quan xây dựng chính sách.
Về hình thức tham vấn chính sách, đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu chỉ tham vấn bằng hội nghị rất là khó, vì vậy, đề nghị nên mở rộng hơn hình thức tham vấn. Đơn cử, không phải lúc nào chuyên gia quốc tế cũng có thể đến dự họp để tham vấn chính sách, trong thời đại công nghệ thông tin, nên linh hoạt hơn về hình thức, phương pháp tham vấn chính sách để đem lại hiệu quả tốt hơn.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, mục đích, bản chất của tham vấn là tạo sự đồng thuận và quá trình tham vấn chính sách là quá trình liên tục, từ khi phát hiện thực tiễn, hình thành ý định về chính sách, đến khi hoạch định chính sách, bàn và thông qua chính sách, sau đó đưa ra luật về chính sách.
![Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_95_51465690/e85c926fa2214b7f1230.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp
Việc này do các cơ quan hoạch định chính sách (như cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, hoặc của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…).
“Đối tượng tham vấn là cá nhân, tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học và cả người dân. Quá trình lấy ý kiến người dân trên các cổng thông tin chính là quá trình tham vấn chính sách”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nhấn mạnh "lấy/xin ý kiến" các cơ quan là một quy trình của lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần phải rành mạch giữa tham vấn và xin ý kiến.
“Lúc nào xin ý kiến, lúc nào thẩm tra cần phải làm rõ. Nếu không tách bạch rành mạch giữa tham vấn, xin ý kiến và quyền thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội thì sẽ không đúng với bản chất của tham vấn”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.