Xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị cà phê Sơn La

Bằng việc liên kết chặt giữa người nông dân và doanh nghiệp, giá trị cà phê Sơn La đã không ngừng tăng cao.

Nâng cao giá trị cà phê ngay từ nguồn nguyên liệu

Những ngày này, sản phẩm cà phê Sơn La niên vụ năm 2024 đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 21.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố, sản lượng ước đạt 35.000 - 45.000 tấn cà phê nhân/năm, trị giá 4.500 - 5.000 tỷ đồng.

Để nâng cao giá trị cây cà phê, những năm vừa qua, tỉnh Sơn La đã chủ trương sản xuất cà phê theo hướng xanh, sạch. Hiện nay, diện tích cà phê được cấp các chứng nhận bền vững (RA, 4C, VietGAP) và tương đương trên 19.100 ha; có trên 1.120 ha cà phê đặc sản; có 2 vùng sản xuất cà phê được UBND tỉnh Sơn La cấp quyết định vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao...

Mở rộng diện tích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, đến nay, tỉnh có trên 19.000 ha cà phê được cấp các chứng nhận; UBND tỉnh đã cấp quyết định vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho 2 vùng sản xuất cà phê trên địa bàn huyện Mai Sơn, quy mô 1.000 ha cà phê của 1.560 hộ gia đình. Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho 7 doanh nghiệp, hợp tác xã và đã xuất khẩu đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Niên vụ năm 2024, do ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino, sản lượng cà phê Sơn La năm nay giảm, nhưng được giá. Nhu cầu thị trường thế giới, đặc biệt các nước EU, Mỹ, Nhật Bản về cà phê Arabica chất lượng cao, cà phê đặc sản rất cao, luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Toàn tỉnh Sơn La đề ra mục tiêu giai đoạn 2023 - 2025, giá trị sản xuất cà phê chiếm 6-8% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt; đến năm 2025, toàn tỉnh tái canh 8.000 ha cà phê; phát triển 3.900 ha cà phê đặc sản; xuất khẩu 25.000 tấn cà phê nhân/năm; giá trị xuất khẩu cà phê đạt gần 100 triệu USD... tạo việc làm, ổn định thu nhập cho trên 18.000 hộ trồng cà phê. Song song với đó, tích cực bảo vệ môi trường nước, không khí trong vùng trồng, sơ chế, chế biến cà phê…

Cùng với đó, tỉnh Sơn La thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác; liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng cà phê.

Xây dựng chuỗi liên kết cho cây cà phê

Để chuẩn bị cho việc thu mua, chế biến cà phê niên vụ mới, các nhà máy sản xuất cà phê lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cà phê Minh Tiến; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế; Công ty CP Phúc Sinh Sơn La; Doanh nghiệp tư nhân Thu Thủy; HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Chanh; HTX Cà phê Bích Thao; HTX Ara-Tay Coffee; Công ty CP Chế biến Cà phê Sơn La đã đầu tư một số thiết bị chuyên sâu, gia tăng công suất hiện có. Hiện các cơ sở đảm bảo thu mua, sơ chế, chế biến 50% sản lượng cà phê quả tươi của tỉnh. Lượng còn lại được chế biến nhỏ, phân tán trong các hộ dân thông qua phương pháp chế biến ướt, nửa ướt, lên men, honey (mật ong).

Đơn cử, sẵn sàng bước vào vụ sản xuất cà phê năm nay, Công ty CP Phúc Sinh đầu tư một số thiết bị chuyên sâu, gia tăng khoảng 15% công suất hiện có. Cùng với đó, duy trì dây chuyền chế biến chè Cascara từ vỏ cà phê tại Nhà máy đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội Anh quốc dành cho thực phẩm, có công suất 10 tấn quả chín/ngày, tương đương 1 tấn trà thành phẩm/ngày.

Cùng với Sơn La và nhiều vùng nguyên liệu của mình trên cả nước, Phúc Sinh đã thúc đẩy chuyển đổi ngành công nghiệp cà phê của Việt Nam hướng tới các chuỗi cung ứng có thể truy xuất nguồn gốc, không tàn phá rừng.

Công ty cũng đã tập trung vào việc áp dụng thực hành nông nghiệp có trách nhiệm, đặt mục tiêu thiết lập một tiêu chuẩn cho ngành, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và thúc đẩy kinh tế bền vững và hơn thế nữa Phúc Sinh đã đồng hành cùng bà con nông dân-những người trực tiếp tham gia vào quá trình trồng trọt, chăm sóc cây cà phê để hướng dẫn người nông dân sản xuất canh tác theo hướng bền vững. Hiện tại, ở Sơn La, công ty đang có hợp tác với hơn 2.000 nông hộ nông dân trên 4.500 mảnh đất để phổ biến kỹ thuật cho từng nhóm hộ nông dân.

Tại các khu nguyên liệu cà phê của Phúc Sinh, trước đây người dân chỉ trồng lúa nương, cây lương thực khác nên đời sống khó khăn vì năm được mùa, năm mất mùa, năm mất giá. Tuy nhiên, từ năm 2018, Phúc Sinh đã đến Sơn La hướng dẫn cách canh tác mới cho bà con, đồng thời đảm bảo bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu nên bà con rất yên tâm. Không chỉ năng suất cao hơn mà thu nhập của bà con cao hơn hẳn cách làm truyền thống lâu nay. Từ thực tế đó, bà con đã nhận thấy lợi ích thiết thực từ cách trồng, thu hoạch cà phê theo hướng bền vững và bắt đầu thay đổi tư duy canh tác.

Hiện, Phúc Sinh Sơn La đã có những dự án về kỹ thuật cây trồng, về giữ chất đất để đảm bảo cho chất lượng của cà phê tại đây. Phúc Sinh không chỉ cung cấp kỹ thuật, phương pháp mới trong canh tác qua các hướng dẫn như dùng phân bón hữu cơ, cách tưới tiêu tiết kiệm nước, cách thu hoạch để đem đến những lô cà phê có chất lượng cao… mà lâu dài hơn là đã thay đổi ý thức canh tác cà phê bền vững tới từng bản, từng hộ bà con dân tộc.

Không chỉ tập trung cho quá trình canh tác cà phê bền vững mà "đau đáu" với việc làm thế nào để nâng cao giá trị cho cây cà phê, doanh nhân Phan Minh Thông đã mạnh dạn tìm một hướng đi mới nữa đó là Phúc Sinh đầu tư dây chuyền chế biến trà Cascara tại tỉnh Sơn La hồi tháng 10/2023. Đây là dây chuyền đầu tiên tại Việt Nam sản xuất và chế biến trà Cascara trên quy mô lớn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Như vậy, không chỉ có nguồn thu từ hạt mà bà con đã tăng thu nhập, tăng giá trị cho cây cà phê từ việc cung cấp vỏ cà phê chín để làm trà Cascara.

Đặc biệt, tháng 4 năm nay, Phúc Sinh tiếp tục tung ra thị trường 2 sản phẩm đặc sản từ Arabica Coffee, đó chính là Honey Process và Natural Process Specialty Coffee, đa dạng thêm sản phẩm từ cà phê.

Một đơn vị khác thực hiện nhiệm vụ chuyên thu mua, sơ chế, chế biến cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, HTX Cà phê Bích Thao, xã Hua La, thành phố Sơn La đã đầu tư gần 10 tỷ đồng nâng công suất dây chuyền sơ chế cà phê từ 20 tấn cà phê nhân lên 60 tấn cà phê nhân/ngày, đêm. Ngoài liên kết với 800 nông hộ, HTX trồng cà phê, đơn vị còn liên kết chuyển giao kỹ thuật thâm canh 40 ha cà phê đặc sản cho HTX Nông nghiệp Chiềng Sét, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La; hướng dẫn HTX xây dựng 4 nhà lưới chế biến cà phê Honey (mật ong).

Tính đến nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có trên 1000 HTX, 6 Liên hiệp HTX, trong đó có 935 HTX đang hoạt động, 9 tháng đầu năm 2024 thành lập mới 52 HTX, đạt trên 60% chỉ tiêu của năm 2024.

Hiện HTX đang áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê bằng phân hữu cơ và chế biến quả cà phê theo phương pháp không sử dụng nước, phơi trong nhà kính, đảm bảo phẩm chất nội tại của hạt cà phê, cho ra sản phẩm cà phê nhân có màu sắc và chất lượng đồng nhất, nên cà phê luôn có chất lượng tốt và giá trị thương mại cao, giảm thiểu tối đa chất thải, góp phần bảo vệ môi trường trong lành, thân thiện.

Các sản phẩm OCOP của HTX Cà phê Bích Thao đã lên kệ ở nhiều hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu. Để chinh phục được các thị trường khó tính, HTX đã chú trọng quy trình, đảm bảo các tiêu chí nghiêm ngặt từ trồng, chăm sóc, thu hái quả và chế biến. Hiện nay, sản phẩm OCOP 5 sao của HTX Bích Thao đã được đưa sang triển lãm ở Ý, Nhật, được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao. Vừa qua, HTX Bích Thao cũng xuất cà phê sang thị trường Anh và Đức. Năm nay, dự kiến sản lượng cà phê của HTX khoảng 4.000 tấn. Lượng cà phê xuất khẩu từ trước đến nay luôn chiếm 90 - 95% trong tổng sản lượng, trị giá 15 - 20 tỷ đồng.

Giá trị cà phê ngày càng tăng cao

Với sự đầu tư nghiêm túc, hiện giá cà phê Arabica tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Sơn La đang giao động từ 11-15 nghìn đồng/kg quả tươi. Từ cuối năm 2023 đến nay, giá cà phê trên thế giới có xu hướng cao, kéo theo cà phê trong nước tăng mạnh, ổn định trong khoảng 120.000 đồng/kg, gấp 3 lần mức trung bình nhiều năm. Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê - Ca Cao Việt Nam, giá cà phê từ nay đến cuối năm 2024 tương đối ổn định.

Để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, thích ứng với các quy định sản xuất không gây mất rừng của Liên minh Châu Âu, thời gian tới, các sở, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân áp dụng canh tác bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh tái canh, cải tạo cà phê và đưa các bộ giống có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản theo chuỗi liên kết cà phê bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững thương hiệu cà phê Sơn La và khẳng định vị thế cà phê Sơn La trên bản đồ cà phê thế giới.

Ghi nhận những kết quả mà ngành cà phê Sơn La đã đạt được trong thời gian qua, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo, để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, thích ứng với các quy định sản xuất không gây mất rừng của Liên minh Châu Âu, các huyện, thành phố của Sơn La tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân áp dụng canh tác bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách mới về bảo vệ môi trường đến người dân, doanh nghiệp. Duy trì các Tổ công tác giám sát công tác bảo vệ môi trường với các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung; yêu cầu các cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Giải quyết kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị, phản ánh của nhân dân và các cơ quan truyền thông về ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, đẩy mạnh tái canh, cải tạo cà phê và đưa các bộ giống có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản theo chuỗi liên kết cà phê bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững thương hiệu, tiến tới khẳng định vị thế cà phê Sơn La trên bản đồ cà phê thế giới.

Bảo Ngọc

Đồ họa: Lan Ngọc

Phương Lan - Ngọc Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/longform-xay-dung-chuoi-lien-ket-nang-cao-gia-tri-ca-phe-son-la-354570.html