Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về lĩnh vực văn hóa

Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam cần huy động, tập trung nguồn lực đầu tư tương xứng với vai trò, vị trí của ngành văn hóa trong điều kiện phát triển chung của đất nước, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai. Đây là một trong các ý kiến được đại biểu nêu tại Hội nghị góp về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp của Chương trình được tổ chức sáng 4/8.

Với mục tiêu “tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm”, tổng kinh phí chương trình dự kiến là 180 nghìn tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 108 nghìn tỉ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa. Mức kinh phí này nhằm đảm bảo thực hiện 10 nhóm dự án trọng tâm, tiêu biểu như: bảo tồn, phát huy giá trị di sản; thúc đẩy phát triển văn học nghệ thuật; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa,…

Các đại biểu đánh giá cao những mục tiêu bao quát, tổng thể của chương trình, nhưng cũng lo ngại với nguồn lực và thời gian thực hiện có hạn, việc thực hiện dàn trải sẽ dẫn đến kết quả manh mún, kém hiệu quả. Thay vào đó, chương trình nên lựa chọn, tập trung vào một số mục tiêu cấp thiết.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá chấn hưng, phát triển văn hóa là một chủ đề rộng lớn. Mục tiêu cần tổng thể, nhưng hành động phải hết sức cụ thể. Cần khơi lên được khát vọng cống hiến của trí thức, văn nghệ sĩ, đặc biệt phải lưu ý văn hóa nghệ thuật là 1 lĩnh vực đặc thù, không thể đối xử như các lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, chương trình phải đảm bảo không trùng với các đối tượng đầu tư, chi ngân sách thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia hiện hành.

Đỗ Minh -

Trương Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/xay-dung-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-ve-linh-vuc-van-hoa-185189.htm