Xây dựng con người văn minh đồng nghĩa đòi hỏi mọi người phải luôn vươn lên tầm cao của văn hóa
Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội tại Hội thảo khoa học 'Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại' do TP Hà Nội tổ chức sáng 21/3.
Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"
Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” được tổ chức nhằm nhận diện rõ và sâu sắc hơn nữa các giá trị, nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội, phục vụ xây dựng và phát triển Thủ đô, theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu nhiều giải pháp để giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa Hà Nội, tạo thành nguồn lực góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.
Tham luận tại hội thảo, GS. Hồ Sĩ Quý khẳng định, bản sắc văn hóa Hà Nội nằm trong tổng thể văn hóa Việt Nam, rất nhiều di tích, di sản của Hà Nội đến nay đã gần như đã trở thành biểu tượng. So sánh với các di sản văn hóa ở nhiều quốc gia, thì hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Núi Nùng, đền Cổ Loa, Ô Quan Chưởng,... hầu hết đều là “vật thể” mang giá trị của lịch sử.
Bên cạnh đó, văn hóa Hà Nội còn là sự kết tinh của những nền văn hóa khác, trong đó có văn hóa Pháp. Ví dụ như một số địa danh du lịch có tiếng của Hà Nội hiện nay như: Nhà Kèn, Nhà hát Lớn, Hỏa Lò, ga Hàng Cỏ, cầu Long Biên, Nhà thờ Lớn, chợ Đồng Xuân,... đều là những di sản có giá trị vật thể bên cạnh các giá trị văn hóa phi vật thể đã được lưu giữ hơn ngàn năm qua của Hà Nội.
Theo GS.TS Đỗ Thị Minh Đức, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Nội được biến đổi theo thời gian, theo những quy hoạch đô thị từng thời kỳ. Trong đó, sông Hồng đang ngày càng thể hiện là một tài nguyên quý giá trong quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội.
Hiện tại, Hà Nội đã có 8 cây cầu qua sông Hồng: Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh và Văn Lang. Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu nữa bắc qua sông Hồng. Ngoài ra, vùng Thủ đô với Thủ đô Hà Nội là đô thị hạt nhân đặc biệt và 9 tỉnh xung quanh là các đô thị vệ tinh gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang đang tạo ra giá trị lớn cho việc hội tụ, lan tỏa văn hóa Hà Nội, giúp cho văn hóa Hà Nội phong phú và đa dạng hơn.
Đồng quan điểm, GS.TS Trương Quang Hải cho rằng, Hà Nội là TP có sông Hồng chảy qua, có hệ thống đường bộ, giao thông phát triển, có nhiều di tích ven sông,... Nhờ những điều kiện đặc thù thiên nhiên, địa hình thuận lợi, Hà Nội là nơi hội tụ nhân tài, kết tinh, lan tỏa văn hóa của cả nước.
Bên cạnh những đánh giá lợi thế to lớn về giá trị, nguồn lực văn hóa để Hà Nội phục vụ công cuộc phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, các đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế, nhược điểm trong việc xây dựng văn hóa Hà Nội trong thời đại mới, đồng thời nêu tầm quan trọng của việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ nên quan điểm việc TP Hà Nội đề ra mục tiêu xây dựng con người văn minh cũng đồng nghĩa đòi hỏi mọi người phải luôn vươn lên tầm cao của văn hóa. "Nền văn minh chúng ta nói hôm nay không còn giống như nền văn minh qua các thời kỳ lịch sử từ trước tới nay. Trong những thập kỷ gần đây, loài người đã đạt được những thành tựu kỳ diệu của trí tuệ con người. Khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Vì lẽ đó, xây dựng Thủ đô văn minh ngày nay phải được nhìn với mọi góc độ, từ bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, kinh tế tri thức và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên nền tảng kế thừa, phát huy những giá trị của nền văn hiến ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Đảng bộ và nhân dân Hà Nội phải không ngừng tìm tòi, phát huy, sáng tạo, có quyết tâm lớn để không ngừng nâng cao trí tuệ, phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn của mình trong học tập và lao động", PGS Nguyễn Chí Mỳ nhấn mạnh.
PGS Lê Quý Đức cho rằng hiện nay, nhiều người từ các nơi khác về Hà Nội vẫn mang tâm lý về Thủ đô để làm ăn, sinh sống, chưa có ý thức xây dựng mình thành người Hà Nội.
“Việc giáo dục con cái, thế hệ trẻ trong những gia đình, dòng họ ở Hà Nội đang là vấn đề lớn đặt ra. Đặc biệt, với những gia đình từ các địa phương khác đến Hà Nội, cần coi Hà Nội không chỉ là nơi sinh sống, làm việc, mà còn cần là nơi gắn bó, yêu thương”, PGS Lê Quý Đức cho biết.
Theo PGS.TS Phạm Duy Đức, để xây dựng, phát huy giá trị văn hóa của người Hà Nội với sự kế thừa và giao thoa, nên có các nhóm giải pháp, trong đó chú trọng việc Hà Nội cần tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo ở Thủ đô, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống cũng như văn hóa trong thời đại mới.