Xây dựng đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn THCS, THPT giáo viên cần lưu ý gì?

Giáo viên được phép sử dụng ngữ liệu của các bộ sách khác để xây dựng đề kiểm tra đánh giá định kì môn Ngữ văn.

Vừa qua, giáo viên cốt cán bậc trung học cơ sở, trung học phông đã được tập huấn về việc xây dựng đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn.

Người viết là giáo viên Ngữ văn xin được tóm tắt một số nội dung chính liên quan đến việc sử dụng ngữ liệu “ngoài sách giáo khoa” để ra đề kiểm tra theo tinh thần các Công văn: Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH và Công văn 3935/BGDĐT-GDTrH đối với bậc trung học cơ sở.

 Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Lựa chọn ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra định kì

Tiêu chí lựa chọn ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra định kì:

Thứ nhất: Ngữ liệu phải là văn bản hoặc đoạn trích mới nhưng tương đương với thể loại, kiểu văn bản được học trong Chương trình.

Thứ hai: Ngữ liệu có dung lượng phù hợp bảo đảm học sinh có đủ thời gian đọc, suy nghĩ để làm bài thi / kiểm tra.

Thứ ba: Ngữ liệu cần chứa đựng các yếu tố tiêu biểu cho loại/thể loại văn bản cần đánh giá.

Thứ tư: Ngữ liệu phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm – sinh lí của học sinh; có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ.

Thứ năm: Ngữ liệu phải có xuất xứ từ những nguồn dẫn mang tính chính thống đã được những cơ quan có chức năng và thẩm quyền trong nước kiểm duyệt.

Xử lí ngữ liệu dùng để xây dựng đề kiểm tra định kì:

- Với những văn bản ngắn mà ngôn ngữ gần gũi với học sinh hoặc những đoạn trích có nội dung độc lập tương đối so với toàn văn của văn bản thì giáo viên không phải “can thiệp” khi xây dựng câu hỏi kiểm tra, đánh giá.

Khi xử lí ngữ liệu là đoạn trích, cần lược trích hoặc giới thiệu tác phẩm để học sinh không hiểu sai hoặc hiểu một cách phiến diện nội dung đoạn trích.

- Với những văn bản dài, không thể lược trích, giáo viên có thể dùng một đoạn văn ngắn giới thiệu tác phẩm. Nội dung của đoạn giới thiệu này chỉ cần vừa đủ để cung cấp những thông tin về văn bản, làm căn cứ để hiểu nội dung đoạn trích.

- Dùng chú thích (có thể dưới hình thức cước chú) để giải thích những từ ngữ, điển cố, biểu tượng gây khó hiểu cho học sinh.

- Trong trường hợp ngữ liệu có những từ ngữ, hoặc những đoạn không phù hợp tâm lí lứa tuổi học sinh, người ra đề có thể lược nhưng cần có kí hiệu đánh dấu chỗ lược bỏ bằng dấu ba chấm trong ngoặc vuông […]

Một số lưu ý khi sử dụng ngữ liệu trong kiểm tra, đánh giá định kì

Công văn 3175 quy định: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.

Như vậy có thể thấy, cả Thông tư 22 và Chương trình Giáo dục phổ thông cũng như Công văn 3175 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều không đặt ra những quy chuẩn về cấu trúc và định dạng cũng như hình thức kiểm tra đánh giá định kì đối với học sinh.

Vì vậy, không nhất thiết phải áp dụng những yêu cầu của đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông với yêu cầu của đề kiểm tra định kì.

Cần lưu ý, Chương trình Ngữ văn 2018 và các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích xây dựng các câu hỏi mở để phát huy khả năng sáng tạo của học sinh.

Có nghĩa là giáo viên vẫn được phép dùng lại các văn bản đã học để làm ngữ liệu đánh giá học sinh trong những bài kiểm tra thường xuyên dưới các hình thức linh hoạt như các dự án học tập, bài tập nghiên cứu khoa học, thảo luận, tranh biện,… đặc biệt với mục đích hình thành và phát huy tư duy phản biện cho học sinh

Để tránh áp lực cho giáo viên trong việc tìm ngữ liệu cho đề kiểm tra đánh giá, có thể tìm và sử dụng ngữ liệu theo các cách sau đây:

Ngữ liệu của các bộ sách giáo khoa khác:

Cách làm hiệu quả nhất và cũng tiện lợi nhất là sử dụng các ngữ liệu của các bộ sách khác để xây dựng đề kiểm tra đánh giá định kì. (Đây là nội dung mới nhất so với các quy định thời gian qua - tác giả chú thích).

Ví dụ, học sinh học bộ sách Cánh Diều có thể được kiểm tra bằng các ngữ liệu của các bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống hay Chân trời sáng tạo nếu những ngữ liệu này không trùng với ngữ liệu trong sách giáo khoa bộ Cánh diều và học sinh chưa được học.

Hiện nay, có 03 bộ sách giáo khoa Ngữ văn đang được triển khai dạy học ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông. Mỗi trường/ cơ sở giáo dục (thậm chí mỗi địa phương) chỉ học 01 bộ sách, nên khi kiểm tra đánh giá định kì, giáo viên chỉ cần tránh sử dụng lại những ngữ liệu bản đã học trên lớp.

Ngữ liệu ngoài các bộ sách giáo khoa:

Để lựa chọn được ngữ liệu mới, cần phân biệt sự khác nhau giữa các thể loại văn bản trong cùng loại hình (ví dụ cùng là tác phẩm tự sự nhưng truyện ngắn khác tiểu thuyết, tiểu thuyết hiện đại khác với tiểu thuyết chương hồi cổ điển) để bảo đảm chọn được những ngữ liệu có giá trị; giúp xây dựng được hệ thống câu hỏi có sự phân hóa, hướng vào đánh giá mức độ hoàn thành yêu cầu cần đạt của Chương trình.

Đề tham khảo Ngữ văn 9

Câu 1. Xác định vấn đề được bàn luận trong văn bản.

Câu 2. Chỉ ra luận điểm được trình bày ở đoạn (1).

Câu 3. Phân tích để làm rõ vai trò của những lí lẽ, bằng chứng tiêu biểu được trình bày ở đoạn (2), (3) trong việc làm sáng tỏ luận đề.

Câu 4. Nêu tác dụng của việc lựa chọn các kiểu câu trong đoạn văn sau:

(1) Khi quyết định về một phía như vậy, thoạt nhìn, bạn thấy có vẻ rất dễ dàng, nhưng thực ra việc quyết định ấy cũng chỉ là sự chấp nhất25 với điều bạn đã chọn mà thôi. (2) Nếu bạn đã chọn cái này là tốt thì tất cả những gì ngoài nó ra đều là xấu. (3) Nếu bạn cho rằng A đúng, thì B sẽ là sai. (4) Nói một cách cực đoan, việc này còn ẩn chứa những nguy cơ tiềm tàng.

Câu 5. Ở đoạn (4), tác giả cho rằng “Điều quan trọng là đừng quyết định “tốt – xấu” một cách đơn giản cho sự vật, sự việc”. Hãy trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của ý kiến trên trong bối cảnh hiện nay khi mỗi cá nhân đều có thể dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau về một sự vật hay sự việc cụ thể.

 Nguồn: Tài liệu tập huấn về việc xây dựng đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT.

Nguồn: Tài liệu tập huấn về việc xây dựng đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT.

Có thể nhận thấy, từ năm học 2024-2025, giáo viên bậc trung học cơ sở (và trung học phổ thông) sẽ được giảm bớt áp lực trong việc ra đề kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) vì được phép sử dụng các ngữ liệu của các bộ sách khác để xây dựng đề kiểm tra đánh giá.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/xay-dung-de-kiem-tra-dinh-ki-mon-ngu-van-thcs-thpt-giao-vien-can-luu-y-gi-post246609.gd